Giới hạn của bất đồng

Theo Đại biểu Nhân dân

Những vụ tranh chấp thương mại mang tính “ăn miếng trả miếng” mới nhất giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang có những dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng. Song, giới phân tích nhận định cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại nặng nề nếu như để những bất đồng vuột tầm kiểm soát.

Giới hạn của bất đồng
EU đã quyết định áp mức thuế nhập khẩu cao đối với pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc (ảnh: designbuildsource)
Chỉ riêng trong tháng 5, hai bên đã “tuýt còi” một loạt sản phẩm của nhau, từ tấm pin năng lượng mặt trời, ống thép đến thiết bị viễn thông, làm dấy lên những quan ngại về một cuộc chiến thương mại giữa hai đối tác lớn nhất thế giới. EU đã quyết định áp các mức thuế nhập khẩu cao đối với pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá đề xuất trung bình khoảng 47%, có hiệu lực tạm thời từ ngày 6/6 tới. Phản ứng trước quyết định này, Bộ Thương mại Trung Quốc đã kêu gọi đối thoại và khẳng định không muốn chứng kiến cuộc chiến thương mại giữa hai bên.

Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra từ tháng 11 năm ngoái sau khi EU Pro Sun - Hiệp hội nhà nghề châu Âu chuyên về năng lượng mặt trời, gửi đơn kiện lên EC hồi tháng 7 năm ngoái, cho rằng sản phẩm này và các phụ kiện thiết yếu có xuất xứ từ Trung Quốc được bán tại thị trường EU với giá thấp hơn tới 45% so với những sản phẩm cùng loại do châu Âu sản xuất nhờ những biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc. Các nhà sản xuất EU cho rằng từ chỗ chiếm 0% thị phần tại thị trường châu Âu, chỉ trong vòng vài năm, các công ty của Trung Quốc đã thống lĩnh hơn 80% thị phần sản phẩm này tại thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu đạt 21 tỷ euro (tương đương 27 tỷ USD) trong năm 2011.

Để đáp lại, Trung Quốc cũng thông báo mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hợp kim nhập khẩu từ EU, Nhật Bản và Mỹ, cho rằng các sản phẩm này đang được bán với giá thấp hơn giá thị trường và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại nước này, cuộc điều tra có thể kéo dài một năm, chủ yếu nhằm vào các sản phẩm như ống thép hợp kim, ống thép chịu nhiệt và ống thép chịu lực. 

Đánh giá về những động thái mang tính “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau của hai đối tác thương mại lớn này, các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định sự gia tăng căng thẳng phản ánh thực tế rằng cả hai bên đều đang cảm nhận áp lực từ sự suy giảm kinh tế mạnh mẽ. Năm 2012, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua, trong khi nền kinh tế EU kiệt quệ do khủng hoảng nợ và tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng, sa lầy trong cuộc suy thoái kéo dài kỷ lục. Tuy nhiên, sẽ là nguy hiểm nếu mọi việc bị đẩy lên cao trào.

Vốn liếng EU dốc vào canh bạc này là rất lớn. Quan hệ thương mại EU - Trung Quốc thuộc hàng lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Trung Quốc hồi năm ngoái là 212 tỷ USD, với nhập khẩu là 334 tỷ USD.

Zhang Hanlin, Giáo sư Đại học Kinh tế và Ngoại thương tại Bắc Kinh, cho rằng bên bị thua thiệt nhiều nhất trong bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại nào “chắc chắn sẽ là EU, người tiêu dùng EU và ngành công nghiệp EU, chứ không phải là Trung Quốc”. Theo ông, các nền kinh tế châu Âu đang phục hồi và chắc chắn cần sự hỗ trợ của thị trường toàn cầu, vì EU, cũng như Trung Quốc, là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài”.

Những nguy cơ thậm chí còn lớn hơn nếu Bắc Kinh có các hành động tương tự. Theo các số liệu thống kê chính thức của EU, kim ngạch xuất khẩu thiết bị viễn thông của Trung Quốc sang EU đạt khoảng 1 tỷ euro (1,3 tỷ USD) mỗi năm và năm ngoái, hơn 60% trong tổng số 35,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tấm pin mặt trời của Trung Quốc là sang thị trường EU, trong khi nước này chỉ nhập khẩu khoảng 7,5 tỷ USD thiết bị pin mặt trời và nguyên liệu thô từ châu Âu.

Tuy nhiên, một số ý kiến lạc quan và tỉnh táo cho rằng không nên phóng đại mức độ nguy hiểm của các cuộc tranh cãi thương mại này. Đơn giản vì đây là một hiện tượng rất phổ biến trong quan hệ thương mại quốc tế hiện nay. Hơn nữa, nếu rơi vào một cuộc chiến thương mại thực sự, cả hai bên đều sẽ thua thiệt, tuy mức độ thiệt hại là khác nhau. Ý thức được điều này, các chuyên gia nhận định Trung Quốc và EU sẽ đủ tỉnh táo để kiểm soát tình hình. Bản thân Trung Quốc đã kêu gọi đối thoại, còn EU thì tuyên bố “áp thuế tạm thời”. Vì vậy, có lý do để tin rằng quan hệ Brussels - Bắc Kinh về cơ bản sẽ không có gì thay đổi và mọi cuộc chiến thương mại sẽ trong giới hạn chấp nhận được.