Giới phân tích hoài nghi về kết quả cuộc họp OPEC

Theo antt.vn

Giới phân tích đang hoài nghi về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt được tiếng nói chung về vấn đề cắt giảm sản lượng tại cuộc họp chính thức ở Vienna (Áo) vào ngày 30/11.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng thời cảnh báo rằng sự thất bại trong việc đạt được thỏa thuận có thể đẩy giá dầu giảm sâu hơn.

Các nước thành viên OPEC dự kiến sẽ có cuộc họp cấp bộ trưởng tại thủ đô Vienna của Áo vào ngày 30/11 để thống nhất và cụ thể hóa thỏa thuận sơ bộ về cắt giảm sản lượng mà tổ chức này đạt được tại cuộc họp không chính thức ở Algeria cuối tháng 9 vừa qua.

Tuy nhiên, trước thời điểm diễn ra cuộc họp OPEC, các chuyên gia phân tích cũng như giới thị trường tỏ ra ít lạc quan về kết quả của cuộc họp ở Vienna. Vấn đề mấu chốt nằm ở ba thành viên chủ chốt của OPEC: Saudi Arabia (A-rập Xê-út), quốc gia sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC, cương quyết muốn giải quyết vấn đề "cắt giảm hay đóng băng" sản lượng giữa các thành viên.

Trong khi đó, hai nhà sản xuất dầu lớn thứ hai và thứ ba OPEC là Iraq và Iran đều muốn được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng với lý do hoạt động sản xuất của họ đã bị đình đốn do xung đột và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled al-Falih trước đó đã có phát biểu khiến giới thị trường bi quan khi cho rằng nhu cầu đang dần hồi phục sẽ giúp ổn định thị trường dầu mỏ mà không cần đến sự can thiệp của OPEC.

Chuyên gia Mike van Dulken, Trưởng Bộ phận nghiên cứu của hãng phân tích thị trường Accendo Markets, nhận xét: "Các nhà đầu tư đang lo ngại cuộc họp ở Vienna có thể sẽ làm phí thời gian". Tại cuộc họp ở Algeria hôm 28/9, OPEC thống nhất sẽ giảm sản lượng xuống khoảng 32,5-33 triệu thùng/ngày, tức là giảm từ 600.000 đến 1,1 triệu thùng/ngày từ mức sản lượng hiện nay.

OPEC, gồm 14 thành viên, hy vọng thỏa thuận này sẽ giúp giảm tình trạng nguồn cung dư thừa và vực dậy giá dầu vốn đã giảm hơn 50% từ mức đỉnh 115 USD/thùng hồi tháng 6/2014. Tuy vậy, OPEC vẫn cần phải thống nhất về các mức cắt giảm cho từng thành viên, nhất là Iraq và Iran.

Iraq cho biết sẵn sàng cắt giảm sản lượng nhưng nước này nói rang họ đang thiếu tiền để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Còn Iran tỏ ý cương quyết không giảm sản lượng cho tới khi đạt được các mức trước thời điểm bị trừng phạt. Trong khi đó, Libya và Nigeria đều tuyên bố không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC.

Saudi Arabia đã rút khỏi các cuộc đàm phán ngày 28/11 với các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC và phát đi thông điệp rõ ràng rằng trước tiên OPEC phải tự giải quyết vấn đề của mình, trước khi kêu gọi các nhà sản xuất ngoài khối như Nga, Azerbaijan và Kazakhstan tham gia.

Truyền thông khu vực Trung Đông đưa tin Saudi Arabia đồng ý giảm 4,5% sản lượng từ mức 10,5 triệu thùng/ngày, với điều kiện Iran đóng băng sản lượng ở khoảng 3,8 triệu thùng/ngày. Song, đây lại là điều kiện khó thỏa hiệp giữa hai nước vốn không hòa hợp lâu năm trong khu vực Trung Đông.

Hầu hết giới phân tích cho rằng triển vọng của thị trường dầu mỏ thế giới vẫn ảm đạm trong năm 2017, bất chấp kết quả cuộc họp của OPEC. Một khi cuộc họp OPEC thất bại có thể sẽ khiến giá dầu giảm xuống 35 USD/thùng. Giá dầu thấp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư vào các dự án dầu mỏ và có nguy cơ tác động đến nguồn cung trong trung hạn.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, trong trường hợp OPEC đạt được thỏa thuận cuối cùng liên quan đến vấn đề cắt giảm sản lượng, giá dầu có thể sẽ vọt lên 53-55 USD/thùng và giá dầu cao cũng có thể thúc đẩy các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ tăng sản lượng. Và như vậy, thị trường tiếp tục rơi vào tình trạng dư cung.