Gói thầu tỉ đô của người lượm phế liệu

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Buổi điều trần kéo dài năm tiếng đồng hồ đã đưa Công ty California Waste Solutions (CWS) vượt qua đối thủ là Waste Management, một công ty xử lý chất thải lớn tại Mỹ, để đem về gói thầu trị giá 2,7 tỉ đô la Mỹ.

Ông David Dương, Tổng giám đốc CWS, điều trần trước Hội đồng thành phố Oakland hôm 30/7 để chứng minh năng lực công ty. Nguồn: internet
Ông David Dương, Tổng giám đốc CWS, điều trần trước Hội đồng thành phố Oakland hôm 30/7 để chứng minh năng lực công ty. Nguồn: internet

Với gói thầu này, CWS sẽ thu gom và xử lý rác thải cho thành phố Oakland ở bang California trong vòng 20 năm tới.

“Không có nghề hèn kém”

Hơn 30 năm trước, lúc còn đang thu lượm phế liệu kiếm sống trên đất Mỹ, có lẽ David Dương không hình dung được có ngày ông và cộng sự ngồi giữa Hội đồng thành phố Oakland để chứng minh năng lực của Công ty CWS, và rồi được giao gói thầu trị giá 2,7 tỉ đô la Mỹ như ngày 30-7 vừa qua. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất kể từ khi ông bước vào lãnh vực xử lý rác thải, khởi nghiệp từ công việc nhỏ nhất trong ngành thu mua và tái chế phế liệu truyền thống của gia đình.

Cha ông, người được mệnh danh là “vua phế liệu” ở Sài Gòn những năm trước 1975, đã hun đúc trong ông một triết lý sống, đó là “không có nghề gì là hèn kém, thành công chỉ đến với người chịu khó và biết vươn lên”.

Ông kể những ngày đầu sang định cư tại San Fransisco (California), các thành viên trong gia đình mưu sinh bằng việc thu lượm phế liệu, phân loại rồi bán cho các nhà máy tái chế.

Nỗ lực vượt khó của gia đình ông đã được đền đáp bằng những hợp đồng thu gom rác thải từ các đối tác. CWS ra đời, cung cấp việc làm cho khoảng 300 người, phần lớn là người gốc Việt, và dần trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty hoạt động trong lãnh vực này. Năm 2013, Waste Age, tạp chí chuyên ngành môi trường của Mỹ, đã xếp CWS vào vị trí thứ 31/100 công ty xử lý chất thải tại Mỹ.

Thực ra, CWS đã ký hợp đồng thu gom phế liệu để tái chế tại Oakland từ năm 1992, thời điểm Công ty Waste Management đang thu gom rác và cây xanh toàn thành phố, còn phần phế liệu tái chế thì chia sẻ phân nửa với CWS. Do hợp đồng của cả hai công ty này sẽ hết hạn vào tháng 6 năm 2015, nên thành phố kêu gọi đấu thầu hợp đồng mới từ năm 2011.

Tờ báo địa phương Contra Costa Times tường thuật buổi điều trần, cho biết nhiều người đã ôm nhau chúc mừng khi cả tám người trong hội đồng thành phố này bỏ phiếu chọn CWS, một công ty nhỏ so với người khổng lồ là Waste Management với các chi nhánh ở 50 tiểu bang tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới. CWS được chọn một phần vì công ty này có giá bỏ thầu cạnh tranh hơn, một phần quan trọng khác nữa là sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân đang sinh sống tại thành phố này. Bài báo dẫn lời bà Rebecca Kaplan, thành viên hội đồng thành phố, cho rằng việc CWS thắng thầu có nghĩa người dân sẽ trả tiền rác ít hơn, có việc làm và hàng tỉ đô la sẽ ở lại Oakland. Bà nói vậy là bởi CWS đặt trụ sở ở Oakland, nghĩa là dòng vốn đầu tái tư, lợi nhuận, thuế… sẽ không bị chuyển về Texas nếu WM thắng thầu.

Ông David Dương, Tổng giám đốc CWS, cho biết với gói thầu này, khối lượng công việc sắp tới sẽ lớn hơn rất nhiều, vì bên cạnh công việc cũ là thu gom phế liệu tái chế, CWS còn đảm nhiệm thêm ba công việc mới nữa là thu gom rác, cây xanh và làm phân bón hữu cơ từ cây xanh (compost). Với gói thầu này, CWS sẽ làm hết công việc mà Waste Management đã làm trong 20 năm qua. Ông nói, chiến thắng bước đầu là niềm tự hào của người Việt trên đất Mỹ, song những thách thức cũng đang chờ CWS ở phía trước khi bắt đầu thực hiện gói thầu này vào tháng 7 năm sau.

...và đầu tư tại quê nhà

Xử lý hàng ngàn tấn chất thải mỗi ngày là vấn đề đau đầu của chính quyền các thành phố lớn, song điều đó lại đem đến cơ hội đầu tư cho những người như ông David Dương.

Hàng chục năm gắn bó với nghề tại Mỹ giúp ông nhận ra ngành công nghiệp xử lý rác thải và tái chế phế liệu đang mang lại hàng chục tỉ đô la cho nền kinh tế nước này. Nó đòi hỏi khoản đầu tư lớn, đồng thời cũng tạo ra việc làm cho hàng ngàn công nhân. Ông quay về Việt Nam lập Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), trong bối cảnh nước nhà đang có chính sách kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư, và thêm vào đó là chủ trương của chính quyền TPHCM muốn xã hội hóa đầu tư trong lãnh vực vệ sinh môi trường.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh, TPHCM là dự án đánh dấu bước đầu tiên trở về Việt Nam của người Việt kiều này, mà theo lời ông nói là “để thực hiện tâm nguyện của cha mẹ tôi, mong muốn con cháu thành đạt quay về góp phần xây dựng quê hương”. Giai đoạn một của dự án này là một bãi chôn lấp có diện tích khoảng 30,6 héc ta, được thiết kế với công suất 10.000 tấn rác thải/ngày, hiện đang nhận xử lý 3.000 tấn/ngày cho TPHCM và khoảng 20 tấn/ngày cho tỉnh Long An. Sắp tới, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước sẽ tiếp nhận thêm 2.000 tấn/ngày từ bãi rác Phước Hiệp, Củ Chi. Ngoài ra, VWS đang vận hành thử dây chuyền chế biến phân compost với công suất 100 tấn/ngày. Được biết, VWS ban đầu cam kết đầu tư 90 triệu đô la Mỹ cho dự án ở Đa Phước, nhưng trên thực tế đã đầu tư gần 150 triệu đô la Mỹ vào đây.

Sau Đa Phước, VWS mở rộng hoạt động xuống tỉnh Long An với dự án thứ hai là Khu công nghệ Môi Trường Xanh có quy mô 1.760 héc ta, nơi có khả năng xử lý các loại chất thải như rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại và rác thải y tế, rác thải công nghiệp, rác thải điện tử, phân bón hầm cầu, bùn cống rãnh bị ô nhiễm, nước thải và vỏ xe cũ.

Bên cạnh khu sản xuất phân compost công suất lớn, dự án này còn có khu tái chế chất thải thành nhiên liệu lỏng và nhiên liệu hơi đốt, khu chôn lấp ủ lấy khí metan sản xuất điện năng. Toàn bộ dự án có công suất xử lý khoảng 40.000 tấn/ngày, công suất tiếp nhận thời gian đầu 20.000 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Trong số đó, TPHCM là nơi có lượng rác thải sinh hoạt nhiều nhất, chiếm hơn phân nửa tổng lượng chất thải sinh hoạt của toàn vùng.

Số liệu thống kê cho thấy khối lượng chất thải rắn phát sinh của khu vực này vào khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày (TPHCM chiếm khoảng 6.500 tấn), và khoảng 11.000 tấn rác thải công nghiệp/ngày. Dự báo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả vùng đến năm 2020 sẽ vào khoảng 20.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày (TPHCM chiếm khoảng 10.000 tấn), chưa kể lượng rác thải công nghiệp cũng có thể tương đương như vậy. Nhìn vào “tiềm năng xả rác” như thế, ông David Dương cho rằng, với công suất xử lý của dự án có vòng đời kéo dài từ 75-100 năm và lượng rác của toàn vùng sẽ còn tăng thêm nữa theo thời gian, công ty của ông sẽ làm không hết việc. Vấn đề còn lại là tổ chức thu gom rác như thế nào cho hiệu quả.

Lúc về nước đầu tư dự án Đa Phước, ông Dương từng ví von mình đang góp sức vẽ một bức tranh về môi trường, nhưng rồi cũng có lời ra, tiếng vào vì mọi người chưa biết bức tranh đó được vẽ ra sao. Nay “bức tranh” đang dần hình thành, ông nói sẵn sàng chào đón mọi người đến xem và sẽ tạo điều kiện cho người dân, học sinh, sinh viên các trường đến tham quan mô hình hoạt động tại dự án này, từ đó sẽ hiểu hơn về dự án Khu công nghệ Môi Trường Xanh ở Long An trong tương lai.