Hàn Quốc "dọa" đóng cửa, Israel sẽ có tiền ảo riêng?

Theo Lê Anh/vietnamfinace.vn

Là thị trường Bitcoin lớn nhất thế giới, sau khi Hàn Quốc tuyên bố để ngỏ khả năng đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo, giá Bitcoin lập tức giảm mạnh.

Ngân hàng Israel đang nghiên cứu phương án ban hành tiền ảo riêng.. Nguồn: internet
Ngân hàng Israel đang nghiên cứu phương án ban hành tiền ảo riêng.. Nguồn: internet

Theo dữ liệu của Bloomberg, giá Bitcoin đã có lúc sụt giảm còn 13.800 USD trong phiên giao dịch ngày 28/1). Vào lúc hơn 15h chiều theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo số liệu trên trang Coinmarketcap.com chỉ còn 14.600 USD, thấp hơn khoảng 25% so với mức kỷ lục thiết lập vào tuần trước và giảm khoảng 12,5% trong vòng 24 giờ.

Đại diện Bộ Tư pháp Hàn Quốc cùng ngày đã chính thức kiến nghị xây dựng điều luật đặc biệt để đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo trong một cuộc họp báo thường kỳ, theo đài KBS.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng điều phối Nhà nước Hong Nam-ki nhấn mạnh tiền ảo không phải đồng tiền được công nhận theo pháp luật, và dù đã nhiều lần cảnh báo về những rủi ro như biến động giá quá lớn, nguy cơ đầu cơ tích trữ và sàn giao dịch bị tin tặc tấn công nhưng giao dịch loại tiền này tại Hàn Quốc vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt.

Cũng theo ông Hong Nam-ki, hiện Ủy ban giám sát tài chính (FSC) đang phân tích xem tiền ảo có phải một sản phẩm tài chính hay không, và Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan phải trao đổi, họp bàn thêm để xác định xem những giao dịch tiền ảo cần phải tuân theo quy định nào.

Trước tiên, Chính phủ Hàn Quốc đề ra những nội dung bao quát của điều luật đặc biệt liên quan đến tiền ảo gồm bắt buộc sử dụng tên thật trong các giao dịch tiền ảo, truy bắt và trừng phạt nghiêm khắc tội phạm liên quan đến tiền ảo và thắt chặt những quy định về quảng cáo tiền ảo trực tuyến.

Các sàn giao dịch tiền ảo sẽ bị cấm đăng ký thêm thành viên mới, ngừng cung cấp tài khoản ảo cho các thành viên, đồng thời thay đổi thông tin tài khoản của những thành viên sẵn có.

Giới ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ tình hình cung cấp dịch vụ thanh toán của các sàn giao dịch tiền ảo, ngừng cấp dịch vụ tài chính đối với những sàn giao dịch không tuân thủ quy định của Nhà nước. Chính phủ cũng dự kiến tăng cường nghĩa vụ của các ngân hàng trong phòng chống rửa tiền qua các sàn giao dịch tiền ảo.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hàn Quốc sẽ sớm đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo ở nước này, nhưng lời cảnh báo này một lần nữa cho thấy cơ quan chức năng Hàn Quốc nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang rất thận trọng với các diễn biến trên thị trường tiền ảo.

Israel chuẩn bị ra mắt tiền ảo riêng

Ở một diễn biến khác, ngân hàng Israel đang nghiên cứu phương án ban hành tiền ảo riêng giúp xây dựng hệ thống thanh toán nhanh hơn và giảm thiểu sự phụ thuộc của quốc gia vào tiền mặt, theo Reuter.

Do là tiền tệ quốc gia nên tiền ảo mà chính phủ Israel định ban hành sẽ khác so với Bitcoin. Theo một nguồn tin của Reuters, tiền ảo này sẽ được quản lý tập trung, an toàn và tuân thủ quy định tiền tệ của Israel. Các quan chức của quốc gia này cũng đã sẵn sàng việc đưa dự án vào kế hoạch tài chính năm 2019 nếu được thông qua.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa kế hoạch này, chính quyền Israel sẽ vấp phải một số rào cản. Họ phải thuyết phục người dân và các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng loại hình tiền mới này. Bên cạnh đó, các giao dịch quốc tế cũng sẽ là vấn đề lớn cần được cân nhắc trước khi triển khai tiền ảo mới vào thực tế.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hồi đầu tháng 12 đã tuyên bố nước này sẽ phát hành tiền ảo riêng có tên "Petro" để giúp vực dậy nền kinh tế và chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Maduro khẳng định loại tiền ảo này sẽ được hậu thuẫn bởi nguồn dự trữ dầu mỏ, khí gas, vàng và kim cương.