Hàng không bắt tay thao túng cước

Theo giaothongvantai.com.vn

(Tài chính) Cuối tuần qua, giới chức Thụy Sĩ đã tuyên phạt 11 hãng hàng không sau những cáo buộc thông đồng giá để tăng cước vận tải. Điều này dấy lên nỗi lo các hãng hàng không một mặt giảm giá vé nhưng lại tìm cách bù lại bằng cước hành lý và các loại phụ phí khác.

Hàng không bắt tay thao túng cước
Air France-KLM bị phạt 4,3 triệu USD vì tội thông đồng giá. Nguồn: internet
Liên tiếp bị phát hiện

Ngày 10/1, sau một loạt những điều tra độc lập, Ủy ban quản lý cạnh tranh Thụy Sĩ ra quyết định phạt 11 hãng hàng không với tổng số tiền phạt lên tới 11 triệu franc Thụy Sĩ (12 triệu USD) sau những cáo buộc về việc các hãng này nhiều lần “đi đêm” với nhau để thao túng cước vận tải, phụ phí nhiên liệu, phụ phí rủi ro chiến tranh, thủ tục hải quan.

Trong số 11 hãng thì Air France - KLM của Pháp và Hà Lan bị phạt nặng nhất, tới 3,9 triệu franc Thụy Sĩ (4,3 triệu USD). Các hãng khác cũng bị phạt lần này là: American Airlines (2,2 triệu franc), United Airlines (2,1 triệu franc), British Airways, Korean Air Lines, Atlas Air của Mỹ, SAS của Bắc Âu, Japan Airlines, Singapore Airlines, Cathay Pacific Airways của Hồng Kông, và Cargolux đóng trụ sở tại Luxembourg.

Bản tin tài chính Bloomberg dẫn cáo buộc mà Ủy ban cạnh tranh Thụy Sĩ kết luận: Các hãng hàng không nói trên đã vi phạm nghiêm trọng luật chống độc quyền. Mọi việc vẫn chưa kết thúc khi Ủy ban quản lý cạnh tranh cho biết thêm hiện Bộ Tư pháp Mỹ và EU cũng đang điều tra vụ việc này và sẽ sớm đưa ra mức phạt đối với những hãng liên quan tới vụ bê bối câu kết giá nói trên. 

Vụ việc này không phải là lần đầu tiên, trước đó, hầu như năm nào cũng có những án phạt tương tự được đưa ra. Nghiêm trọng nhất, năm 2011, Bộ Tư pháp Mỹ đã phạt 21 hãng hàng không trên thế giới trải dài từ Âu sang Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Anh, Đức, Singapore…) với số tiền kỷ lục lên tới 1,7 tỷ USD do đã thông đồng các loại giá vận tải. Vụ việc khiến 19 giám đốc điều hành các hãng hàng không đã bị buộc tội, trong đó 4 giám đốc phải vào tù…

Mới đây, năm 2013, Singapore Airlines đã bị tòa án New Zealand phạt 3,36 triệu USD vì thông đồng ấn định giá hàng hóa trong khoảng thời gian gần bốn năm.
 
Khách hàng chịu thiệt

Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, trong thời kỳ suy thoái kinh tế những năm trước, các hãng hàng không này đã đi đến một thỏa thuận ngầm để xây dựng một cơ chế ấn định giá cả. Điều này khiến cho giá vé và các khoản phụ thu nhiên liệu hàng hóa tăng lên, làm các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, chủ yếu là các hành khách trên các chuyến bay quốc tế và các công ty vận chuyển hàng hóa, bị thiệt hại hàng trăm triệu USD. 

Thậm chí, một số hãng đã có động thái đánh lừa khách hàng bằng cách giảm giá vé nhưng lại ngầm tăng cước hàng hóa và các loại phụ phí khác, theo NYT. 

Theo Chủ tịch Ủy ban thương mại EU - Mark Berry, việc ấn định giá là bất hợp pháp và áp đặt lệnh xử phạt vụ việc liên quan tới hàng hóa hàng không nhằm ngăn cản những hãng khác khỏi vi phạm Đạo luật Thương mại. Còn đại diện của Cơ quan chống độc quyền (FAS) của Liên bang Nga cho biết, việc các hãng hàng không nhỏ bị phá sản hoặc phải sáp nhập là cơ hội để các hãng thông đồng ấn định mức giá mới. Mức giá này có vẻ như không nhiều thay đổi hoặc tăng ít, nhưng hành khách buộc phải chấp nhận vì không có nhiều sự lựa chọn. 

Mặc dù chính sách giá vé có liên quan tới mức độ cạnh tranh trên thị trường nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, trên bất cứ chặng bay nào khi có tới hai hoặc ba hãng vận chuyển cùng khai thác thì khả năng thông đồng là có thể xảy ra. 

Đại diện của FAS cho rằng, có thể giám sát sự thông đồng giá vé thông qua tỉ lệ giá vé hạng thường, vé thương gia và các khoản cước, phụ phí. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận cuối cùng thường phải mất đến vài năm. Như vụ việc 11 hãng bị giới chức Thụy Sĩ phạt nói trên diễn ra từ năm 2005-2006, nhưng đến nay mới đưa ra kết luận cuối. Trong khi đó, chỉ có hành khách là là người chịu thiệt.