Hãy còn quá sớm để Fed rút lại chương trình chính sách nới lỏng định lượng

Theo cafef.vn

(Tài chính) Thậm chí là quá sớm để thảo thuận về vấn đề liên quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chủ đề "nóng" của tuần này là những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương nước này) sẽ giảm bớt quy mô của chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng, đặt dấu chấm cho chính sách nới lỏng định lượng (QE) để quay lại với tính chuẩn tắc về kinh tế.

Theo nhận định của giới phân tích, hiện không chỉ là quá sớm để Fed thu rút lại chương trình này, mà thậm chí là quá sớm để thảo thuận về vấn đề liên quan. 

"Sức khoẻ" kinh tế toàn cầu được đánh giá đang trong tình trạng đặc biệt "mong manh," và cần các giải pháp quyết liệt hơn cả QE, chứ không phải là lui về trạng thái chính thống. 

Mục đích của chương trình mua trái phiếu khổng lồ của Fed là duy trì lãi suất cho vay dài hạn ở mức thấp để khuyến khích người dân vay mượn và chi tiêu.

Kinh tế thế giới đang bị đe doạ bởi các điều kiện tài chính-kinh tế tại cả thị trường mới nổi và đã phát triển. 

Tại Mỹ và châu Âu, nợ đã chuyển từ khu vực tư sang khu vực công và mức nợ đã leo nhanh hơn nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, nhóm G7 đã vay 18.000 tỷ USD, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ tạo ra thêm 1.000 tỷ USD. 

Trong khi đó, tại các thị trường mới nổi, người đi vay ở khu vực tư nhân và khu vực công đã "ôm" thêm nguồn nợ rẻ (chủ yếu được định giá bằng đồng USD và euro). 

Họ vay bằng cả các đồng tiền khác (ngoài USD và euro) và trả bằng đồng nội tệ, khiến trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trở nên dễ tổn thương trước cú sốc về tiền tệ như đã từng xảy trong cuộc khủng hoảng châu Á những năm 1990. Đây không phải là những rủi ro mang tính giả thuyết, mà là đã được thể hiện trong các thống kê kinh tế.

Trong báo cáo mới đây của chuyên gia phân tích Jim Reid (thuộc Deutsche Bank) và các cộng sự, GDP danh nghĩa (tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ, không tính đến yếu tố lạm phát) của thế giới đang phát triển với nhịp độ chậm nhất kể từ những năm 1930 của thế kỷ trước.

Lâu nay, Fed luôn "xử lý" công việc thông qua hệ thống tài chính và hoạt động độc lập, không lệ thuộc vào chính phủ. Nhưng những phương cách cũ cho thấy không "tương xứng" với sứ mệnh nặng nề hiện nay. 

Nền kinh tế đã mất 25.000 tỷ USD do cuộc Đại suy thoái, trong khi bảng kết toán của các ngân hàng trung ương của các nước đã phát triển mới chỉ tăng thêm 14.500 tỷ USD.

Khả năng phục hồi mạnh của kinh tế thế giới vẫn nằm ngoài tầm với. Đây là quan điểm của một số chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò mới đây của hãng tin Mỹ AP.

Các chuyên gia này ước tính, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ chỉ tăng với nhịp độ trên 1%/năm trong nửa cuối năm 2013 và năm 2014. 

Trong khi đó, kinh tế Mỹ được dự báo tăng 2,3% trong 6 tháng cuối năm 2013 so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,6% năm 2014. Còn tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản ước đạt 2,2% năm 2014, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trong thời gian từ tháng 4-6/2013.

Giới chuyên gia cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu sau phiên họp ngày 18/9, mặc dù nhịp độ tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Mỹ vẫn thấp.

Mức cắt giảm ban đầu sẽ nhỏ, khoảng 10 tỷ USD/tháng, xuống còn 75 tỷ USD/tháng.