Hiệp định hạt nhân Iran: Thắng lợi của đối thoại

TS. Đỗ Sơn Hải/daibieunhandan.vn

Căn cứ vào tiến trình đàm phán theo kiểu “Marathon” kéo dài suốt 20 tháng qua, hiệp định hạt nhân vừa được ký ngày 14/7/2015, tại Vienna (Áo), giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) xứng đáng được ghi nhận là thắng lợi của những quyết tâm đối thoại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đối thoại - sự lựa chọn tối ưu

Sau khi người Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8/1945, ngăn chặn vũ khí hạt nhân đã trở thành một nhiệm vụ bức thiết đối với cộng đồng quốc tế. Thành tựu đầu tiên mà nhân loại đạt được chính là sự ra đời của Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Nhưng trên thực tế, NPT đã không thể ngăn cản Ấn Độ sở hữu vũ khí hạt nhân vào năm 1974, và sau đó là Pakistan và CHDCND Triều Tiên. Từ sau khi những lò phản ứng hạt nhân bí mật tại các thành phố Natan và Arak (miền Trung Iran) bị phát hiện (tháng 8.2002), bất chấp việc Tehran luôn biện minh về mục đích dân sự của chương trình hạt nhân, nước này vẫn bị Liên Hợp Quốc (LHQ) liệt kê vào danh sách các quốc gia có kế hoạch sở hữu vũ khí hạt nhân.

Để ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, LHQ đã tiến hành song song hai biện pháp đàm phán và cấm vận. Hơn 10 năm qua, mặc dù những biện pháp trừng phạt của Hội đồìng Bảo an đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống, nhưng chính quyền Tehran vẫn kiên quyết bảo vệ chương trình hạt nhân của mình. Chính sự đối đầu này đã không ít lần đặt khu vực vào tình trạng “bên miệng hố chiến tranh”. Điển hình là vụ Tehran đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz hồi tháng 7.2012, sau đó chính quyền Obama đã phải triển khai hạm đội tàu ngầm SeaFox tới Vịnh Persic và Biển Ảrập. Thậm chí, ngay trong quá trình đàm phán, mỗi lần các cường quốc phương Tây lên giọng cứng rắn là phía Iran lập tức đe dọa chấm dứt đối thoại.

Trong 12 năm qua, giải pháp đối thoại gặp rất nhiều trắc trở nhưng rõ ràng tính hiệu quả là vượt trội. Điều này xuất phát từ đặc thù của chương trình hạt nhân Iran. Thật khó có thể kiểm chứng tính chân thực của chương trình này nếu không thông qua quá trình thanh sát của Cơ quan Năng lượång Nguyên tử Quốëc tế (IAEA), mà để có thể thực thi chức phận này, đương nhiên IAEA cần có sự đồng ý của Tehran. Bằng chứng có tính thuyết phục hơn cả chính là việc đạt được thỏa thuận khung ngày 2.4.2015.

Cần có những con người muốn đối thoại

Cho dù tham gia đàm phán gồm 7 quốc gia, nhưng không thể phủ nhận vai trò của hai đối tác chính là Mỹ và Iran. Thực tế cho thấy, vào thời điểm Tổng thống G. Bush và M. Ahmadinejad cầm quyền, tiến trình đàm phán gần như luôn rơi vào tình trạng bế tắc. Chính vì thế, khi trên bàn đàm phán là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, những người theo đuổi đường lối đối thoại, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Có lẽ cũng chỉ có những nhà lãnh đạo này, những người dám đối chọi với tất cả sự chống đối, từ các đồng minh cho đến chính từ nội bộ đất nước, mới quyết tâm thông qua đối thoại tới cùng để đi đến đích. Điển hình là trường hợp của Tổng thống Obama, nếu ông chùn bước trước vụ 47 nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi thư cho các nhà lãnh đạo Iran đe dọa sẽ phủ quyết kết quả đàm phán hồi tháng 3.2015 thì chắc chắn chưa có hiệp định khung, cơ sở định hình cho hiệp định hiện tại. Tương tự, Tổng thống Rouhani cũng luôn phải đối mặt với những lực lượng bảo thủ trong nước.

Cũng cần nhấn mạnh thêm, hiệp định hạt nhân có được còn do quyết tâm đối thoại của các bên còn lại. Những cường quốc còn lại đã chấp nhận gác sang bên những khác biệt không nhỏ về lợi ích cũng như quan điểm về giải pháp vấn đề hạt nhân của Iran. Đơn cử như đối với Nga, hiệp định hạt nhân không phải đã đem lại cho họ chỉ toàn những điều tốt đẹp. Hiệp định sẽ mở ra cơ hội để Iran có thể xuất khẩu trở lại dầu lửa, điều này đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ tiếp tục sụt giảm (ngay sau lễ ký kết, giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 2,3% xuống còn 50,98USD/thùng). Đây rõ ràng sẽ là khó khăn tiếp theo đối với Nga vốn đang phải chống chọi lại các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây.

Vẫn biết còn cả chặng đường dài đầy khó khăn phía trước để những nội dung của hiệp định hạt nhân có thể được hiện thực hóa, nhưng chính việc đạt được hiệp định này đã cho tất cả các bên một kinh nghiệm quý giá - đối thoại sẽ giúp tìm ra mọi giải pháp cần thiết.