Hoa Kỳ và Anh "diễn tập" tài chính

Hùng Anh - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo kế hoạch, trong ngày 13/10, lần đầu tiên Anh và Hoa Kỳ sẽ thực hành một tình huống giả lập khủng hoảng giữa hai bờ Đại Tây Dương. Đây vừa là thái độ thể hiện sự tiến bộ trong tư duy "phòng còn hơn chống", vừa cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của giới chức trách Anh và Hoa Kỳ rằng giờ đây họ đã có phương án đối phó với những cú sảy chân của các định chế lớn.

Hoa Kỳ và Anh "diễn tập" tài chính
Theo kế hoạch, trong ngày 13/10, lần đầu tiên Anh và Hoa Kỳ sẽ thực hành một tình huống giả lập khủng hoảng giữa hai bờ Đại Tây Dương. Nguồn: internet

Đại diện của hầu hết tổ chức tài chính lớn như Bank of America, Goldman Sachs, Barclays hay HSBC, đều quy tụ tại Washington DC để tham dự "khóa tập huấn" nhằm đảm bảo rằng sau đây họ sẽ biết phải làm gì, liên lạc với ai và công bố thông tin như thế nào một khi xảy ra khủng hoảng.

Trấn an dân chúng

Thủ tướng Anh, George Osborne, tuyên bố ông sẽ tham gia cuộc "tập trận chung" cùng với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ - Jack Lew, Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - Janet Yellen, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh - Mark Carney, và các quan chức cao cấp khác của hai quốc gia. 

Tình huống giả lập sẽ không mô phỏng thực tế của bất kỳ ngân hàng cụ thể nào mà chỉ ra "đề bài" để các đại biểu cùng nhau lên kế hoạch các bước hành động trong trường hợp xảy ra khủng hoảng xuyên biên giới đối với một ngân hàng lớn của Anh hoạt động tại Hoa Kỳ và ngược lại, đối với một ngân hàng lớn của Hoa Kỳ có sự hiện diện tại Anh. Không giống như những lần "diễn tập" từng tổ chức trong nước, ông Osborne cam kết sẽ công khai kết quả cuộc "tập trận chung" này với Hoa Kỳ. 

Trả lời các phóng viên bên lề hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington, ông Osborne cho biết: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mình có thể xử lý vấn đề của một định chế mà trước nay thường được xem là không thể đụng tới. Nó cho thấy chúng ta đã tiến xa thế nào trong những năm qua để phục hồi và rút ra nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính."

Cũng theo vị Thủ tướng Anh đây còn là dịp để trấn an dân chúng rằng Chính phủ sẽ không sử dụng tiền thuế mà họ đóng góp để giải cứu các ngân hàng trong tương lai như đã từng phải làm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. 

Không thể "y như thật"

Sáu năm trước, nhà chức trách Hoa Kỳ và Vương quốc Anh không tìm được tiếng nói chung về cách xử lý Lehman Brothers, cả trước khi xảy ra sự cố lẫn tình trạng phá sản hỗn loạn diễn ra sau đó. Phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự mới thấy mối quan hệ tốt đẹp trước đó giữa hai Chính phủ đã đổ vỡ thế nào. 

Khi được hỏi liệu đợt diễn tập này có thể bám sát những gì diễn ra trong một cuộc khủng hoảng thực sự hay không, ông Osborne thừa nhận không có tham vọng dựng lại một tình huống "y như thật" mà coi đây là cơ hội để đảm bảo rằng kế sách đối phó của riêng từng nước đều có thể phát huy hiệu quả vì mục tiêu chung. Cái đích mà nó hướng tới là làm thế nào để những người có trách nhiệm biết phải làm gì, làm như thế nào, thông tin tới công chúng ra sao...

Thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh rằng chẳng có cuộc diễn tập nào giống thực tế vốn muôn hình vạn trạng, mà quan trọng là cả hệ thống được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và những người có quyền ra quyết định phải biết "tự đặt cho mình những câu hỏi khó." 

Sự kiện đáng chú ý giữa Anh và Hoa Kỳ diễn ra cùng thời điểm bắt đầu một loạt các sự kiện quốc tế khác trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm các đợt kiểm tra năng lực nhiều nhà băng của Anh và châu Âu trong tháng này và hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11.

Số liệu của IMF cho thấy nước Anh đã phải chi 10,5% thu nhập của mình để vực dậy khu vực tài chính năm 2008 - 2009 và sau đó cũng chỉ gỡ gạc được khoảng một phần tư số tiền bỏ ra. Ngược lại, Mỹ dành ra 4,5% GDP nhưng "thu hồi vốn" được toàn bộ. Một số quốc gia khác thì không được may mắn như thế, thậm chí gánh nặng còn lớn hơn nhiều, như Ai-len, Hy Lạp khi phải huy động nợ vay thêm 41% và 34% GDP.