Hội nhập tài chính ASEAN

Huy Hiếu

ASEAN sẽ trở thành một khu vực tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển lao động kỹ năng và tự do lưu chuyển hơn luồn vốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 năm 2007 nhằm đưa ra lộ trình và các biện pháp cần thực hiện để xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, nhằm chuyển hóa ASEAN thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất đơn nhất, một khu vực có sức cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và một khu vực hội nhập đầy đủ vào kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, ASEAN sẽ trở thành một khu vực tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển lao động kỹ năng và tự do lưu chuyển hơn luồn vốn.

Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, có thể kể đến:

- Tự do lưu chuyển dịch vụ: Tự do lưu chuyển dịch vụ là một thành tố quan trọng trong việc hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN, theo đó, sẽ dỡ bỏ đáng kể các hạn chế để các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN được cung cấp dịch vụ trong nội khối và được thành lập các công ty vượt qua khỏi biên giới quốc gia trong phạm vi khu vực.

Tự do hóa lưu chuyển dịch vụ tài chính (tài chính, bảo hiểm và ngân hàng) được thực hiện theo mô hình riêng với tự do hóa dịch vụ nói chung và theo nguyên tắc tự do hóa phải đảm bảo sự phát triển và sự ổn định của thị trường tài chính. Tự do hóa dịch vụ tài chính sẽ được thực hiện theo mô hình ASEAN – X, theo đó các nước ở mức độ sẵn sàng sẽ thực hiện trước và các nước khác sẽ tham gia sau khi phù hợp. Quá trình tự do hóa tài chính phải phù hợp với mục tiêu chính sách quốc gia và trình độ phát triển kinh tế tài chính của từng nước thành viên. Như vậy, tự do hóa dịch vụ tài chính mang tính thận trọng hơn so với tự do hóa dịch vụ nói chung, sẽ dỡ bỏ dần dần các hạn chế theo các phân ngành và phương thức do các thành viên quyết định.

- Tự do hơn lưu chuyển vốn: ASEAN xác định hai trụ cột là: (i) Tăng cường hội nhập và phát triển thị trường vốn ASEAN và (ii) Tạo điều kiện hơn cho luân chuyển vốn thông qua dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế đối với thanh toán và chuyển tiền các giao dịch vãng lai và đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng cường phát triển thị trường vốn. ASEAN đang triển khai sáng kiến liên quan đến phát triển thị trường vốn như phát triển cơ sở hạ tầng thị trường vốn ASEAN hướng tới chuẩn mực chung ASEAN, thực hiện kết nối giao dịch và sau giao dịch giữa các sở giao dịch chứng khoán, liên kết thông tin giữa các sở giao dịch chứng khoán để tạo thương hiệu riêng ASEAN, sáng kiến Quản trị Công ty ASEAN thông qua Báo cáo Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN nhằm mục tiêu nâng cao các chuẩn mực về quản trị công ty của các công ty niêm yết trong khu vực, Bản Cáo bạch chung ASEAN nhằm xây dựng chuẩn mực ASEAN về công bố thông tin đối với việc chào bán lần đầu các chứng khoán nợ và chứng khoán vốn. Tất cả các sáng kiến nhằm tăng cường sức hấp dẫn của ASEAN như một trung tâm huy động vốn.

- Tự do lưu chuyển lao động kỹ năng: Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN đã được các nước thành viên ASEAN ký kết ngày 25/8/2014 nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển giữa các nước thành viên ASEAN của các chuyên gia cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán, theo đó, kế toán viên đăng ký và được chứng nhận ở một nước ASEAN về việc đáp ứng một số tiêu chí chuyên môn sẽ được công nhận là kế toán viên của khu vực ASEAN. Tuy nhiên, người có chứng chỉ kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN chỉ được làm việc trong các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, không được hành nghề độc lập với tư cách cá nhân. Nếu muốn trở thành kiểm toán viên hành nghề và ký báo cáo kiểm toán, một cá nhân cần đáp ứng đủ các quy định trong nước hiện hành.

Khuôn khổ chung về hội nhập tài chính ASEAN “Tầm nhìn ASEAN 2025” được định hướng như sau:

- Tăng cường vai trò của các ngân hàng trong khu vực và mức độ hội nhập của thị trường bảo hiểm, cũng như độ sâu và tính thanh khoản của thị trường vốn trên nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính giúp thuận lợi hóa thương mại và đầu tư nội khối ASEAN, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực

- Hội nhập tài chính sẽ được thực hiện song hành với sự gắn kết về mặt thể chế, mặc dù không nhất thiết thông qua một thiết chế hài hòa chung, nhưng cần thúc đẩy dòng luân chuyển vốn cho các dịch vụ tài chính xuyên biên giới.