HSBC: Muốn tăng trưởng mạnh mẽ, châu Á phải cải cách cơ cấu

Theo gafin.vn

(Tài chính) Theo nhận định của HSBC trong báo cáo vừa công bố, tình hình tăng trưởng của châu Á đã cải thiện hơn trong mùa hè vừa qua nhưng vẫn chưa đủ tốt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cụ thể, các kế hoạch kích thích kinh tế nhỏ của Trung Quốc đầu năm nay và bầu cử ở Ấn Độ và Indonesia đều cho thấy những tác dụng đáng kể. Nhật cũng đã dần phục hồi sau đợt tăng thuế VAT vào quý II. Trong khi đó, quân đội Thái Lan đã can thiệp và cam kết sẽ giải quyết các vấn đề chính trị trong nước. Tại Australia, giá cả hàng hoá đang giảm xuống nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, HSBC cho rằng, mọi thứ không quá lấp lánh khi phân tích chi tiết.

Ngành bất động sản đóng vai trò chính dẫn dắt tăng trưởng Trung Quốc vẫn tiếp tục nguội lạnh. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất Nhật Bản lại sụt giảm trong quý III, cho thấy rủi ro nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái công nghệ. Các kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng của Tổng thống Narendra Modi tại Ấn Độ vẫn còn nhiều hạn chế tính đến quý III. Ngoài ra, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của các nền kinh tế lớn đều cho thấy, châu Á tăng trưởng chậm chạp trong quý III.

HSBC cũng cho rằng, chính sự chậm trễ và không đồng đều trong việc thực hiện cải cách cấu trúc tại các nước trong khu vực cũng gây thất vọng lớn về tốc độ phát triển toàn khu vực châu Á.

Trong khi đó, dù đã đạt được đà phục hồi mạnh mẽ trong quý III nhưng kinh tế Mỹ vẫn chưa thể mang lại các cơ hội xuất khẩu cho hầu hết các nước trong khu vực châu Á vốn còn thiếu sự hỗ trợ của công nghệ.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là châu Á sẽ tăng trưởng yếu hơn trong quý IV. HSBC cho biết, dù tăng trưởng không được như kỳ vọng nhưng rõ ràng, các nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh hơn các nền kinh tế ở những khu vực khác trên thế giới.

Hiện tại, châu Á cũng có vẻ như đã chuẩn bị tốt để đương đầu với các biến động lớn hơn trong ngành tài chính. Điển hình là Trung Quốc với loạt giải pháp hữu hiệu gần đây để kích thích kinh tế. Ấn Độ cũng là một ví dụ khi tiến hành củng cố các kế hoạch dự phòng trong năm vừa rồi.

Ở những nước khác, dự trữ ngoại hối ổn định và mối giao thương với nước ngoài vẫn bền chặt. Mặc dù mức nợ ngày càng tăng nhưng thanh khoản vẫn khá tốt, và các chính phủ sẵn sàng vào cuộc để trợ giúp cho tăng trưởng khi có các bất ổn xảy ra. Thậm chí, một số ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều đã có các biện pháp giải quyết nếu tăng trưởng có nguy cơ xuống thấp hơn kỳ vọng.

Đề cập đến vấn đề tiềm ẩn, HSBC cho biết, sự trì trệ tại châu Á không xảy ra theo chu kỳ, mà là do cơ cấu. Muốn thoát khỏi tình trạng này, châu Á không thể phục thuộc vào các thị trường nước ngoài mà phải thực hiện các cải cách cơ cấu triệt để như, cắt giảm các khoản hỗ trợ, đầu tư nhiều hơn vào chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, mở rộng cơ hội cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tạo những lợi thế cạnh tranh trong nước tốt hơn.