Hy Lạp đối đầu với Đức trong cuộc chiến giảm "núi" nợ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn/ The Guardian

(Tài chính) Nước Đức sẽ bác bỏ bất cứ sự ủng hộ nào để cắt giảm một nửa số nợ của Hy Lạp, ngay cả khi bộ trưởng bộ tài chính của chính quyền mới của đảng Syriza đang đến Paris để tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc đàm phán này.

Người đứng đầu nền kinh tế đầu tàu của khu vực EU kiên quyết bác bỏ đề xuất giảm nợ của Hy Lạp. Nguồn: internet
Người đứng đầu nền kinh tế đầu tàu của khu vực EU kiên quyết bác bỏ đề xuất giảm nợ của Hy Lạp. Nguồn: internet

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ đề xuất giảm nợ của Hy Lạp với các chủ nợ của mình, có khả năng sẽ đưa chính phủ cánh tả mới lên nắm quyền của nước này vào cuộc đối đầu với Brussels.

Lập trường kiên quyết của Thủ tướng Đức sẽ không được hoan nghênh ở Athens, nơi mà đảng cầm quyền mới, Syriza, khẳng định rằng sẽ thực hiện tốt lời hứa của mình để giảm một nửa món nợ lên tới 240 tỷ euro, tương đương 264 tỷ USD và loại bỏ một loạt các biện pháp ngân sách “thắt lưng buộc bụng" đã được áp đặt lên nước này để đổi lấy các khoản vay.

Athens đã từ chối hợp tác với Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - bộ ba các tổ chức giám sát những khoản vay tương đương với khoảng 175% tổng sản phẩm nội địa của Hy Lạp. Thay vào đó chính phủ mới này đang tìm cách để gặp gỡ từng quốc gia chủ nợ khi họ tìm kiếm những nhượng bộ được tuyên bố là quan trọng nếu Hy Lạp nổi lên sau những năm thắt lưng buộc bụng.

Tuy nhiên, Đức sẽ quyết liệt chống lại các biện pháp đơn phương đó, trong đó khẳng định rằng các quốc gia chủ nợ trong khu vực đồng euro phải giữ vững lập trường về món nợ của Hy Lạp. Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn báo chí công bố ngày hôm qua rằng liệu có thể có nhượng bộ hơn nữa cho Hy Lạp, bà Merkel cho biết Athens đã được trừ hàng tỷ euro từ các chủ nợ. "Tôi không nghĩ là cần giảm nợ thêm nữa".

Phát biểu của bà củng cố thêm tuyên bố của Wolfgang Schäuble, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức đưa ra một ngày trước đó. “Nếu tôi là một chính trị gia người Hy Lạp có trách nhiệm, tôi sẽ không khơi mào cho bất cứ cuộc tranh luận nào liên quan đến việc giảm nợ nữa”.

Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh rằng Berlin vẫn muốn giữ Hy Lạp trong khu vực EU. Phát biểu với tờ Berliner Morgenpost, bà cho biết EU sẽ tiếp tục thể hiện tình đoàn kết với Hy Lạp và các quốc gia đang gặp khó khăn khác “nếu những nước này nỗ lực tiến hành cải cách và tiết kiệm”.

Đức lo lắng rõ rệt nếu các chủ nợ nhượng bộ với Hy Lạp, các quốc gia đang gặp khó khăn khác trong EU sẽ có những đòi hỏi tương tự. Ngày 31/1, hàng ngàn người đã diễu hành trên các con phố của Madrid trong một chương trình về sức mạnh của đảng cánh tả cấp tiến còn non trẻ của Tây Ban Nha, Podemos mà hy vọng sẽ cạnh tranh với sự thành công của các đảng Syriza trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Đức sẽ vui mừng bởi thực tế là các biện pháp cứng rắn của mình đối với việc giảm nợ dường như cũng được nước Pháp ủng hộ. Một nguồn tin thân cận với văn phòng Tổng thống Pháp cho Reuters biết rằng, Tổng thống François Hollande và bà Merkel đã đồng ý "rằng điều quan trọng là phải tôn trọng sự lựa chọn của người dân Hy Lạp và Hy Lạp phải tôn trọng cam kết của mình" với những người nắm giữ nợ của mình. "Cần phải có đối thoại và trao đổi để hiểu rõ hơn về những ý định của chính phủ Hy Lạp," nguồn tin cho biết sau khi ông Hollande và bà Merkel đã gặp trong bữa tối ở Strasbourg.

Trong một nỗ lực để phá vỡ sự đồng thuận giữa các quốc gia khu vực đồng euro, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp của chính phủ mới, ông Yanis Varoufakis đã gặp gỡ với người đồng cấp của mình, Michel Sapin tại Paris. "Chúng tôi không được chuẩn bị để giả vờ và mở rộng, cố gắng để thực thi một chương trình đã không thể thực hiện được trong 5 năm nay vốn vẫn bị kiên quyết từ chối mang lại lợi ích hữu hình," ông nói với BBC Newsnight.

"Căn bệnh mà chúng ta đang phải đối mặt ở Hy Lạp vào lúc này là một vấn đề về khả năng thanh toán trong 5 năm đã được xử lý như một vấn đề về thanh khoản".