IMF: Kinh tế Pháp đang phục hồi

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 5 tháng 8, kinh tế Pháp đang trong giai đoạn phục hồi mặc dù tình trạng thất nghiệp khó có khả năng được cải thiện trong năm nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong bản báo cáo, các chuyên gia của IMF cũng khuyến nghị Pháp nên làm chậm lại nhịp độ cắt giảm thâm hụt ngân sách để tránh tăng thuế đối với doanh nghiệp và người dân.

IMF khẳng định lại các con số dự báo đã được công bố ngày 9/7, theo đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp sẽ tăng trưởng ở mức âm 0,2% trong năm 2013 và tăng trưởng dương 0,8% vào năm 2014, trong khi thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 3,9% và 3,5% tương ứng với hai năm 2013 và 2014.

Tỷ lệ thất nghiệp 10,2% trong năm 2012 sẽ tăng lên mức trung bình 11,2% cho cả năm 2013, và 11,6% trong năm 2014 trước khi giảm xuống 11,4% vào năm 2015.

IMF cũng cho rằng tỷ lệ nợ công so với GDP của Pháp có thể sẽ bắt đầu giảm nhẹ kể từ năm 2015 sau khi lên mức cao kỷ lục là 95% GDP.

Trên cơ sở phân tích tỷ lệ đầu tư thấp, các triển vọng tăng trưởng gắn với khả năng sản xuất còn hạn chế, IMF cũng chỉ rõ "niềm tin và khả năng cạnh tranh là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Pháp." Pháp cần tiến hành các cải cách sâu rộng để tập trung tăng trưởng hơn trong trung hạn.

Các chuyên gia của IMF không phủ nhận các nỗ lực cải cách mà Pháp đang tiến hành, trong đó có Chương trình hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh và tạo thêm việc làm có hiệu lực từ 1/1/2013. Tuy nhiên, IMF vẫn yêu cầu Chính phủ Pháp thay đổi cách thức tiến hành.

Một mặt, IMF công nhận nền tài chính công của Pháp đang lành mạnh dần lên, ước tính đem lại giá trị tương đương 1,8% GDP của năm 2013.

Song các chuyên gia của tổ chức này cũng cho rằng 90% kết quả lành mạnh hóa này có được là do tăng các nguồn thu công chứ không phải do giảm các chi phí.

Theo Trưởng phái đoàn của IMF tại Pháp Edward Gardner, sự ổn định của chính sách thuế sẽ là yếu tố sống còn với việc lấy lại được lòng tin, cần phải dự tính sao cho việc giảm thâm hụt ngân sách trong tương lai sẽ liên quan đến chi tiêu công, chứ không phải là do chính sách thuế, điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Trên thực tế, thời gian qua, để đối phó với tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài, Chính phủ Pháp đã triển khai một loạt các biện pháp khắc khổ nhằm hướng đến mục tiêu cân bằng nền tài chính công chủ yếu thông qua cắt giảm chi tiêu công như: cắt giảm ngân sách của các bộ, ngành, giảm tiền hỗ trợ của nhà nước cho các công ty, doanh nghiệp và giảm ngân sách chi cấp cho các chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng đang lên phương án tăng thuế vào năm 2014.

Nhiều khả năng Chính phủ Pháp sẽ lựa chọn thời điểm đầu tháng Chín, khi các bộ, ngành bắt đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài ngày để thông báo chính thức việc tăng thuế vào năm 2014 nhằm tìm kiếm thêm nguồn thu 12 tỷ euro cho ngân sách, tương đương khoảng 0,3% GDP.

Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị người dân Pháp phản ứng gay gắt. Chính vì vậy, IMF trong báo cáo vừa công bố, đã khuyến nghị Pháp nên từ bỏ khoản điều chỉnh nguồn thu tương đương với mức 0,3% GDP này, và chỉ nên giữ lại các khoản tiết kiệm chi tiêu công (tương đương với 6 tỷ euro ), nhằm có thể giữ nhịp độ điều chỉnh cấu trúc cho một giai đoạn dài hơn trong chương trình ổn định kinh tế của Pháp.