IMF: Sai lầm nghiêm trọng trong gói cứu trợ cho Hy Lạp

Theo VietNam+

Ngày 5/6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thừa nhận đã có một số sai lầm nghiêm trọng trong gói cứu trợ thứ nhất dành cho Hy Lạp, khiến nước này phải cầu viện gói cứu trợ thứ hai lớn hơn và lún sâu vào suy thoái.

IMF: Sai lầm nghiêm trọng trong gói cứu trợ cho Hy Lạp
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

IMF cũng chỉ trích Hy Lạp và các đối tác khác trong nhóm "Bộ ba" tham gia cứu trợ Hy Lạp chưa sẵn sàng đối phó với khủng hoảng và chưa đưa ra được những giải pháp cứng rắn có thể giúp gói cứu trợ thứ nhất phát huy hiệu quả tốt hơn.

Sau khi xem xét lại gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro (114 tỷ USD) phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) dành cho Hy Lạp năm 2010, IMF cho rằng đã đánh giá quá cao sức "gánh" nợ cũng như khả năng thực hiện cải cách cơ cấu của Athens.

IMF cũng thừa nhận một số trục trặc trong phối hợp với hai đối tác còn lại trong nhóm "Bộ ba," gồm Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đồng thời khẳng định hai thể chế này thiếu chuyên nghiệp và chưa biết dung hòa các mục tiêu.

Theo IMF, EC coi trọng các vấn đề chung của khu vực hơn tình hình ở Hy Lạp, và hai đối tác châu Âu chưa có kinh nghiệm cứu trợ cũng như khả năng đưa ra các tư vấn chính sách nhanh chóng như định chế cho vay lớn nhất thế giới này.

IMF cho biết các thành viên nhóm "Bộ ba" thực sự "có vấn đề" khi làm hài hòa các mục tiêu và vai trò của mình, trong khi chương trình cứu trợ Hy Lạp đối mặt với nhiều bất trắc.

Chẳng hạn, sau một thời gian dài phản đối cơ cấu lại nợ, Khu vực đồng euro rút cục lại chấp nhận biện pháp này.

Cũng không có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm của mỗi thành viên và EC quan tâm tới đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn của EU hơn là chỉ ra cách thức khôi phục tăng trưởng kinh tế cho Hy Lạp.

Hai phía còn bất đồng về trọng tâm hành động: IMF có truyền thống chỉ giải quyết với từng nước thành viên cần cứu trợ, trong khi giới chức châu Âu coi trọng nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ công trong toàn khu vực.

IMF chỉ trích cách thức làm việc quan liêu của EU, khi EC hoạch định chính sách dựa trên cơ sở đồng thuận, ít khi thành công trong thực hiện các quy định trong Hiệp ước Tăng trưởng và Phát triển và không có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng.

Về sự chỉ trích của một số nước thành viên, cho rằng IMF đã đổ số lượng tiền lớn vào kế hoạch cứu trợ bị coi là "không đáy" ở Hy Lạp, IMF giải thích quyết định này là cần thiết nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp lan rộng ra toàn châu Âu và cả các châu lục khác.

IMF nhấn mạnh tại thời điểm đó, việc Hy Lạp không thể trụ vững dưới gánh nặng nợ công buộc tổ chức này phải hạ thấp các tiêu chuẩn thông qua thỏa thuận cứu trợ thứ nhất.

Tuy nhiên, IMF thừa nhận đã sử dụng các số liệu quá lạc quan trong khi ở Hy Lạp, lòng tin của thị trường chưa được khôi phục, nợ công quá cao, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng giảm mạnh (30%), kinh tế suy thoái sâu hơn, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, khả năng cạnh tranh được cải thiện phần nào do cắt giảm lương, các cải cách cơ cấu và hoạt động sản xuất thì ngừng trệ.

Kết quả là Hy Lạp năm ngoái đã phải cầu viện gói cứu trợ thứ hai lớn hơn nhiều và phải cơ cấu lại nợ trên quy mô lớn, một điều kiện từng bị bác bỏ trong gói cứu trợ thứ nhất.

Trước đó, IMF từng thừa nhận việc nhóm "Bộ ba" hối thúc Hy Lạp siết chặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để giảm mạnh thâm hụt ngân sách nhà nước được dựa trên những giả định không sáng suốt khiến tình trạng suy thoái kinh tế ở nước này kéo dài.

Trong vài tháng qua, IMF đã kêu gọi EC và ECB nới lỏng một số điều kiện khắt khe trong gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp để đảo ngược chiều hướng suy thoái kinh tế ở "Xứ sở thần thoại".