IMF: Suy thoái Trung Quốc không đáng ngại

Theo gafin.vn

(Tài chính) Changyong Rhee, giám đốc Bộ phận châu Á Thái Bình Dương của IMF, cho rằng, nguy cơ Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính toàn diện vẫn thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Giải thích cho lời nhận định của mình, ông Rhee đã đưa ra 3 lý do mà thị trường không cần phải lo ngại về khủng hoảng tại Trung Quốc.

Lý do thứ nhất là phần lớn Trung Quốc nợ chính mình.

Nợ của Trung Quốc - một số tính toán cho thấy, tổng nợ tư nhân và nợ công gấp đôi GDP của Trung Quốc - thật đáng sợ. Để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi rằng, " Các công ty và chính phủ địa phương sẽ làm gì để giải quyết "núi nợ" đó khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và lãi suất tăng cao?" thực sự là một thách đố. Báo cáo triển vọng kinh tế theo khu vực mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 7,5% trong năm nay so với 7,7% của năm 2013, sau đó tiếp tục giảm xuống 7,3% vào năm 2015.

Ông Rhee cho rằng, số vụ vỡ nợ tín dụng của Trung Quốc sẽ tăng lên. Tuy nhiên, không giống như Thái Lan hoặc Hàn Quốc trước khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra vào năm 1997, Trung Quốc vay nợ nước ngoài bằng ngoại tệ rất ít. Theo cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc, tổng nợ nước ngoài chỉ chiếm 9% so với GDP trong khi của Hàn Quốc xấp xỉ 1/3 GDP kể từ năm 1997.

Điều đó có nghĩa là, nếu nhân dân tệ tiếp tục giảm (đã giảm gần 3% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014) thì sẽ không nhất thiết phải tăng mạnh nợ nội tệ của người đi vay mà sau đó có thể tạo ra hiệu ứng "quả cầu tuyết" đối với tình trạng phá sản.

Lý do thứ 2 là Trung Quốc có mức nợ công thấp.

Giống như chính phủ của nhiều nền kinh tế tiên tiến, Trung Quốc cũng có thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, mức thâm hụt đó lại khá nhỏ, chiếm khoảng 2,1% so với GDP. Theo Bank of America Merrill Lynch, tổng số nợ công của toàn quốc gia và các địa phương của Trung Quốc tăng lên đến khoảng 53% so với GDP. Trong khi đó, nợ công của Mỹ lại xấp xỉ GDP hoặc như Nhật Bản có tổng nợ công rất cao, gần 240% so với GDP.

Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có đủ khả năng chi tiêu nhiều hơn để bù đắp cho sự suy thoái kinh tế, thậm chí còn có thể cứu trợ cho các ngân hàng hoặc người vay "quá lớn để sụp đổ". Trong trường hợp xấu nhất, ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể làm theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Nhật Bản là tạo ra tiền bằng cách mua tài sản - hay nới lỏng định lượng.

Lý do thứ 3 là giống như nền kinh tế, suy thoái Trung Quốc có tính kế hoạch tập trung.

Có thể mức độ kiểm soát của Đảng Cộng sản trong việc đưa ra các quyết định kinh tế đã được đánh giá quá cao, nhưng rõ ràng, họ có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của mình theo cái cách mà đến các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và quốc gia dân chủ khác cũng phải ghen tị.

Quốc hội Mỹ đã từng bãi bỏ kế hoạch đầu tiên của cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson về việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối năm 2008. Trong khi đó, các quan chức kinh tế của Trung Quốc có tầm ảnh hưởng rộng hơn trong việc thực hiện chính sách mà không cần phán quyết của Quốc hội Nhân dân Trung Quốc. Hầu hết các ngân hàng của Trung Quốc đều do nhà nước kiểm soát và điều hành và vẫn thống trị nền kinh tế.

Trung Quốc có thể định hướng về phương pháp và đối tượng cho vay đối với các ngân hàng, và thậm chí cả phương thức và nơi đầu tư cho các công ty lớn. Đó không phải là giải pháp mà các lãnh đạo Trung Quốc hướng tới nhưng vẫn là một lựa chọn. Ngược lại, các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu nhận thấy rằng, mức lãi suất thấp kỷ lục cũng không thể ép các ngân hàng cho vay hoặc các công ty đi vay, khiến khủng hoảng kinh tế ở khu vực này càng tồi tệ hơn.

Điều này không có nghĩa là Trung Quốc có thể chỉ ngồi chơi và không làm gì. Trung Quốc cần phải tiếp tục cải cách nền kinh tế để giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư vào bất động sản cũng như ngành công nghiệp nặng.

Theo ông Rhee, Trung Quốc cũng phải tiếp tục rút bớt tiền ra khỏi nền kinh tế để dần dần đẩy mức lãi suất lên cao và giảm bong bóng tín dụng. Tăng bảo hiểm tiền gửi ngân hàng sẽ giúp người dân Trung Quốc xóa bỏ suy nghĩ phổ biến rằng, chính phủ sẵn sàng cứu trợ cho bất kỳ người đi vay nào. Chính những ngộ nhận này đã kích thích hoạt động cho vay quá mức ở cả hệ thống ngân hàng chính thống và ngân hàng ngầm.

Ông Rhee cảnh báo, quá trình này sẽ rất khó khăn và vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thay vì triển khai làn sóng tín dụng mới như Trung Quốc đã làm trong năm 2008 để bù đắp suy thoái toàn cầu, Trung Quốc nên dựa vào các biện pháp nhỏ mà ông Rhee gọi là "tiểu phẫu" để ngăn chặn rủi ro lây lan trong hệ thống tài chính.