Kẻ thắng người thua khi Trung Quốc tái cân bằng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Không phải nhu cầu hàng hóa yếu của Trung Quốc phủ bóng đen đối với tất cả các nước. Kim loại được sử dụng chủ yếu trong hàng tiêu dùng, chẳng hạn như kẽm đa số được dùng trong công nghiệp ô tô, luôn chiếm nhu cầu cao trong mô hình tăng trưởng cũ tại Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh tế châu Á đã phụ thuộc vào Trung Quốc

Gần trung tâm đảo Sumatra, Indonesia từng bao phủ bởi cánh rừng, những vết thương trên mặt đất đã cho thấy dưới bề mặt của nó là nguồn tài sản. Tại mỏ than lộ thiên ở thị trấn Pauth, Indonesia, những máy xúc cỡ lớn đang xúc than lên những xe tải 60 tấn. Dòng chảy của than đã tiếp diễn liên tục trong 5 năm qua trên những con đường đất ngoằn ngoèo bởi cơn khát nhiên liệu của Trung Quốc.

Gần đây, các xe tải đã ngừng chạy vào buổi trưa bởi cơn khát than của Trung Quốc đã có phần chững lại, giá than đi xuống. Minemex, công ty điều hành mỏ than đã cho công nhân nghỉ trưa lâu hơn, "Chúng tôi không có sự lựa chọn. Chúng tôi phải chấp nhận thực tế", Demak-chủ quản lý mỏ than thở dài.

Trong thời gian dài, các nền kinh tế châu Á đã dựa dẫm vào tốc độ tăng trưởng xuất  khẩu ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc. Nhưng, sau khi tăng trưởng hàng năm trung bình 10% trong 30 năm qua, GDP của Trung Quốc đã giảm còn 7,5% trong hai năm qua - mức tuyệt vời đối với hầu hết các nước, nhưng lại là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc đang đi xuống. Sự chững lại đã lan tỏa khắp khu vực.

Xuất khẩu của các nhà sản xuất máy công cụ của Đài Loan sang Trung Quốc đã giảm hơn 20% kể từ năm 2012. Quặng sắt của Australia xuất khẩu sang Trung Quốc gần đây đã xuống mức thấp nhất trong vòng 21 tháng. Trang sức bán hàng ở Hong Kong đã giảm 40% trong năm nay một phần do cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc.

Nhưng về lâu dài vẫn chưa hết hy vọng đối với những người làm ăn buôn bán với Trung Quốc. Các nhà phân tích đề cập đến sữa được ví von là "vàng trắng" của New Zealand, mà hiện nay Trung Quốc đang nhập khẩu mạnh. Số lượng du khách Trung Quốc đến Sri Lanka tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm nay. Phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi 30 là nhóm khách hàng nước ngoài lớn nhất trên trang web của Lotte, một nhà bán lẻ mỹ phẩm lớn của Hàn Quốc cho biết.

Những hình ảnh trên cho thấy, sự tương phản khá sâu sắc mà có thể dẫn đến thay đổi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Tiêu dùng là một động cơ chủ chốt của nền kinh tế Trung Quốc mà có thể làm thay đổi đầu tư. Hiện tiêu dùng hộ gia đình tại Trung Quốc đã nhích lên. Theo số liệu chính thức, nếu như năm 2010, tiêu dùng tại Trung Quốc chiếm 34,9% GDP thì đến cuối năm ngoái đã tăng lên 36,2% GDP.

Một số nhà kinh tế cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn 10%. Năm nay ngay cả khi chính phủ Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế “mini” khi vung tay chi tiêu vào đường sắt và nhà ở công cộng thì tiêu dùng vẫn chiếm hơn một nửa tăng trưởng của Trung Quốc.

Tác động từ tái cân bằng ở Trung Quốc

Tuy nhiên điểm hạn chế là sự tái cân bằng này đang bắt đầu vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Trước tiên, có những câu hỏi về việc Trung Quốc mua gì? Với 1.950 tỷ USD nhập khẩu vào năm 2013, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, mặc dù gần như một nửa số hàng nhập khẩu là thiết bị lắp ráp và tái xuất khẩu. Nền kinh tế của vùng lãnh thổ Đài Loan gắn bó với Trung Quốc hơn bất kỳ nền kinh tế châu Á nào khác, với doanh số bán hàng sang Trung Quốc chiếm khoảng 6% GDP.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu, chẳng hạn như điện thoại di động, đang hướng tới tiêu thụ hơn là đầu tư. Tình hình kinh doanh của vùng lãnh thổ Đài Loan với Trung Quốc vẫn rất khả quan: đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc đã tăng 15% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.

Có nhiều nguy cơ đối với những DN xuất khẩu hàng hóa như máy móc hạng nặng hay nguyên liệu thô sang Trung Quốc. Theo báo cáo của Capital Economics, một công ty tư vấn,  Austrilia có thể mất khoảng 0,8 điểm phần trăm tăng trưởng nếu đầu tư tại Trung Quốc chậm lại. Mặc dù điều này chưa xảy ra, nhưng suy thoái trong ngành khai thác mỏ tại Australia đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nước này lên đến 6% - một mức cao kỷ lục. Điều này cũng cho thấy, sự dễ tổn thương của nền kinh tế Australia.

Ngay cả những nước không xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc cũng sẽ cảm nhận được tác động của việc tái cân bằng của Bắc Kinh thông qua thị trường hàng hóa. Nhu cầu của Trung Quốc ấm lên có nghĩa là mức giá thấp hơn đối với nhiều loại nguyên liệu thô: giá than của Indonesia đã giảm gần 50% kể từ năm 2011.

Cùng với những tác động của suy thoái Trung Quốc, chính phủ quốc gia này cũng chỉ đạo các công ty điện lực tránh xa các nguồn điện giá rẻ nhưng gây ô nhiễm như than. "Bạn không thể kiếm tiền và khai thác mỏ than nữa trừ khi bạn ở sát biển, nơi bạn có thể chuyên chở bằng tàu biển”, Gatut Adisoma, quan chức Hiệp hội Khai thác than Indonesia nói.

Những nước hưởng lợi

Nhưng không phải nhu cầu hàng hóa yếu của Trung Quốc phủ bóng đen đối với tất cả các nước. Kim loại được sử dụng chủ yếu trong hàng tiêu dùng, chẳng hạn như kẽm đa số được dùng trong công nghiệp ô tô, luôn chiếm nhu cầu cao trong mô hình tăng trưởng cũ tại Trung Quốc. Hầu hết các nền kinh tế châu Á từ Hàn Quốc đến Thái Lan đều là nhà nhập khẩu kim loại và năng lượng lớn. Nếu Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi động chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, đầu tư yếu ở Trung Quốc là một bối cảnh thuận lợi.

Cũng như vậy, Karex một công ty sản xuất bao cao su lớn nhất thế giới của Malaysia đã phát triển nhờ vào nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và cả biến động giá cả trên thế giới. Bao cao su có xu hướng ngày càng được dùng rộng rãi hơn cùng với sự phát triển của đô thị hóa, gia tăng thu nhập và giáo dục cũng như thời gian giải trí.

Nhập khẩu bao cao su Trung Quốc gần như tăng gấp ba lần từ năm 2007 đến năm 2013, lên đến 3,4 triệu kg. Trong khi đó, giá thành nguyên liệu chính để sản xuất bao cao su là cao su đã giảm  gần một nửa kể từ năm 2011 nhờ nhu cầu đối với lốp xe siêu lớn phục vụ cho ngành công nghiệp khai thác mỏ và xây dựng giảm sút.

Goh Kiat Miah, Giám đốc điều hành của Karex thể hiện sự lạc quan đối với thị trường Trung Quốc, hiện mới chỉ chiếm 1/10 doanh số của công ty này, "Mọi người vẫn có quan niệm rằng, hàng nhập khẩu tốt hơn so với các sản phẩm địa phương", ông nói. Từ bao cao su đến sữa và xe hơi, đó là một dấu hiệu tốt đối với các nhà sản xuất làm ra những sản phẩm mà khách hàng Trung Quốc muốn mua.