Khả năng tăng lãi suất lên cao, nhà đầu tư nháo nhào bán tháo

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Dữ liệu thất nghiệp của Mỹ vừa công bố ủng hộ cho khả năng tăng lãi suất trong tháng 12 của Fed khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt bán ra, đẩy các chỉ số giảm mạnh trong phiên thứ Năm. Giá vàng cũng chịu chung số phận, nhưng mức giảm không lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Năm, số người xin trợ cấp thất nghiệp điều chỉnh theo mùa cho tuần kết thúc vào ngày 7/11 là 276.000. Mặc dù tăng chút ít so với mức trung bình trong tháng 10, nhưng đây vẫn là mức thấp nhất trong 40 năm (từ cuối những năm 1970).

Như vậy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã có tuần 36 liên tiếp dưới ngưỡng 300.000, chuỗi dài nhất trong năm.

Còn theo một báo cáo trước đó của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Hai, tuyển dụng việc làm, thước đo cho nhu cầu lao động tăng 149.000, lên 5,53 triệu lao động trong tháng 9.

Đây là dấu hiệu cho thấy, thị trường lao động Mỹ đang khá lành mạnh và nó ủng hộ cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 12.

Sau khi dữ liệu này được công bố, giới đầu tư đã nhanh chóng bán ồ ạt, đẩy các chỉ số chính của phố Wall lao nhanh và càng về cuối phiên, càng giảm mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Dow Jones giảm 254,15 điểm (-1,44%), xuống 17.448,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,03 điểm (-1,4%), xuống 2.045,97 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 61,94 điểm (-1,22%), xuống 5.005,08 điểm.

Tương tự phố Wall, chứng châu Âu cũng có phiên giảm mạnh nhất 6 tuần trong ngày thứ Năm do ảnh hưởng từ thông tin phía bên kia bờ Đại Tây Dương, cũng nhưng kết quả kinh doanh yếu kém của một số doanh nghiệp niêm yết.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 118,52 điểm (-1,88%), xuống 6.178,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 125,24 điểm (-1,15%), xuống 10.782,63 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 95,86 điểm (-1,96%), xuống 4.856,65 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì chuỗi ngày tăng nhẹ của mình lên con số 7 liên tiếp. Trong khi đó, sau chuỗi ngày giảm liên tiếp, chứng khoán Hồng Kông có phiên đảo chiều ngoạn mục với phiên tăng mạnh nhất 7 tuần. Chứng khoán Trung Quốc đại lục lại đảo chiều giảm trở lại sau phiên tăng điểm trước đó.

Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 6,38 điểm (+0,03%), lên 19.697,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 536,75 điểm (+2,4%), lên 22.888,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 17,35 điểm (-0,48%), xuống 3.632,9 điểm.

Trên thị trường vàng, dữ liệu của thị trường lao động cũng khiến giới đầu tư trên thị trường vàng lo lắng. Giá vàng có lúc đã bị đẩy xuống dưới 1.075 USD/ounce và tưởng chừng giá kim loại quý này sẽ lao về ngưỡng hỗ trợ 1.050 USD/ounce trong phiên này. Tuy nhiên, bất ngờ là đồng USD tiếp tục hạ nhiệt đã giúp chặn đà giảm của giá vàng, giúp giá kim loại quý này lấy lại được khoảng 10 USD/ounce và đóng cửa chỉ ở mức giảm nhẹ. Trong khi đó, giá vàng tương lai hiện đang ở mức thấp nhất gần 5 năm rưỡi.

Kết thúc phiên 12/11, giá vàng giao ngay giảm 1,2 USD (-0,11%), xuống 1.085,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,9 USD (-0,36%), xuống 1.081,0 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, việc OPEC đưa ra dự báo khả năng dư cung còn tồn tại trong thời gian dài khiến giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trên dưới 3% trong phiên thứ Năm, tương đương như phiên giảm giá hôm thứ Tư.

Kết thúc phiên 12/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,18 USD/thùng (-2,83%), xuống 41,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,75 USD (-3,97%), xuống 44,06 USD/thùng.