Khi chính phủ muốn "trói" doanh nghiệp

Theo cafef.vn

(Tài chính) Những năm gần đây, các thị trường mới nổi có xu hướng cải cách hệ thống quản lý. Ngược lại, các quốc gia giàu có lại tăng cường thắt chặt quản lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức thường niên với sự tham gia của đại biểu trên toàn thế giới vận dụng đặc quyền của mình trưng cầu ý kiến thành viên tham gia về một loạt vấn đề, trong đó có gánh nặng chính sách quản lý của chính phủ đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Singapore đứng đầu danh sách các nước có hệ thống quản lý thông thoáng nhất trong vòng 8 năm qua. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu đang tụt xuống cuối bảng xếp hạng. Trong 148 quốc gia được khảo sát năm 2013, Tây Ban Nha xếp hạng 125, Pháp – hạng 130, Bồ Đào Nha – hạng 132, Hi Lạp – hạng 144 và Ý – hạng 146.

Trong khi dân chúng Mỹ liên tục phàn nàn khi chính quyền của ông Obama tỏ ra bất lực trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp hồi phục, họ cũng phải đối mặt với thực tế đáng thất vọng: trong 7 năm qua nước Mỹ đã tụt từ bậc 23 xuống bậc 80. Trong một cuộc điều tra riêng được tiến hành bởi Liên đoàn doanh nghiệp độc lập quốc gia, tỷ lệ các công ty coi qui định quản lý là trở ngại lớn nhất đã tăng từ 10% năm 2009 lên 20% vào năm ngoái.

Những năm gần đây, các thị trường mới nổi có xu hướng cải cách hệ thống quản lý. Ngược lại, các quốc gia giàu có lại tăng cường thắt chặt quản lý. 

Martin Baily – chuyên gia đến từ trung tâm nghiên cứu Brookings đã thực hiện các cuộc khảo sát nhằm tìm ra nguyên nhân tại sao năng suất một số ngành công nghiệp đặc thù ở nước này lại cao hơn nước khác. Ông phát hiện vấn đề qui định quản lý có vai trò rất quan trọng bởi nó có thể làm giảm sự cạnh tranh khiến các doanh nghiệp yếu kém và kéo dài tình trạng trì trệ.

Ủy ban châu Âu EU đã thống kê 10 gánh nặng hành chính phiền toái nhất đối với các doanh nghiệp, từ qui định thời gian làm việc cho tới việc xử lý rác thải; đồng thời tổ chức này cũng thông báo một kế hoạch với nỗ lực cắt giảm khoảng 25% các qui định này. Tuy nhiên, Patrick Gibbels - chuyên gia đến từ Liên đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu - cho rằng Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên sẽ lại tiếp tục đưa ra những luật lệ mới thay thế. 

Tuy nhiên, vấn đề hóc búa nhất mà chính quyền phải đối mặt là người dân không ủng hộ các cải cách. Tiền lương của họ bị ảnh hưởng nặng nề sau khủng hoảng trong khi các cải cách này chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Trong giới tài chính đã xuất hiện nhiều làn song cải cách luật lệ mới; điều này khá dễ hiểu sau hậu quả của việc bùng nổ tín dụng quá đà. Ở một số nước, các chính trị gia đã đưa ra các biện pháp để làm vừa lòng cử tri như “đóng băng” giá cả và áp thuế lên các công ty lớn, nhưng điều này ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.

Chính phủ có nhiều lý do để áp đặt qui định lên các công ty. Tác động bên ngoài là một nguyên nhân. Ví dụ, một công ty hóa chất bơm nước thải xuống sông, không có một cơ chế thị trường nào quản lý vấn đề này vì vậy chính phủ phải can thiệp bằng cách ra các qui định. Một nguyên nhân khác là để cân bằng lại quyền lực và bảo vệ người lao động. Họ thường ở bên yếu thế hơn, sẵn sàng chịu mức lương thấp hay làm công việc nặng nhọc để giữ được việc làm. 

Tuy vậy, không phải tất cả luật lao động đều có tác dụng. Các qui định chỉ khiến thị trường thêm phân hóa thành nhân tố bên trong và bên ngoài. Một nhóm lao động với tinh thần an phận sẽ tìm mọi cách giữ lấy công việc đang có, nhóm còn lại (thường là người trẻ tuổi) chấp nhận công việc bấp bênh nhưng đảm bảo chất lượng hoặc là không làm.

Châu Âu không chỉ có thị trường lao động cứng nhắc mà còn có chi phí lao động khá đắt đỏ; nó đang có xu hướng tụt lại so với các thị trường mới nổi khác. Điều này có thể đẩy các doanh nghiệp chuyển hướng tìm kiếm ở các thị trường tiềm năng hơn. “Khu vực tây Âu đang ở thế bất lợi bởi chi phí lao động quá cao; chính phủ cần có những cải cách hệ thống thích hợp”, ngài Martin Sorell – ông chủ tập đoàn WPP nói. Nhìn sang các thị trường khác, Singapore có mức thuế thấp hơn, hệ thống quản lý thông và có lợi thế địa lý trung tâm châu Á. Ngài Martin dự đoán nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ sớm dời trụ sở của họ đến vùng đất hấp dẫn này.

Một số thị trường khác lại lún sâu vào tình trạng khủng hoảng do sự can thiệp quá sâu của chính phủ. Ví dụ, chính phủ có thể quyết định giá trong một lĩnh vực chuyên biệt dưới sự thống trị của các Cartel; hoặc mong muốn trợ cấp cho loại dịch vụ mà không một doanh nghiệp tư nhân nào muốn tham gia. 

Có lẽ vấn đề lớn nhất đối với các biện pháp can thiệp của chính phủ là thiếu tư duy chiến lược. Chính phủ chưa nhận ra rằng họ đang sống trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt; các công ty sẵn sàng chuyển hướng đầu tư nếu họ cho rằng các qui định quản lý quá cứng nhắc. Một vài quốc gia đã tiếp nhận xu thế này, tuy nhiên nhiều nước khác vẫn loay hoay dựng nên những bức tường mới ngáng chân các nhà đầu tư.