Khi kinh tế trở thành vũ khí

Theo cafef.vn

(Tài chính) Trường hợp sử dụng áp lực kinh tế để đạt được mục đích chính trị đầu tiên được ghi chép lại xảy ra từ thời Hy Lạp cổ đại. Năm 432 trước Công nguyên, Megara đã cấm giao thương với Athens.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Khi đàm phán ngoại giao thất bại, chiến tranh là điều khó tránh khỏi. Ngày nay, khi lời lẽ thuyết phục không mang lại hiệu quả, các nước lớn chuyển sang tấn công trên mặt trận kinh tế. Đây được coi là lựa chọn cuối cùng. Tuy nhiên, tấn công trên mặt trận kinh tế có thể sẽ đem đến những hậu quả không lường trước được và làm tổn hại đến những ngành kinh tế chủ chốt.

Bối cảnh

Kể từ đầu thế kỷ 21 tới nay, việc sử dụng các vũ khí tài chính làm công cụ thay thế quân đội trở nên phổ biến hơn. Kể từ năm 2000, Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Nhật Bản, Israel, Nga, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế đã áp đặt ít nhất 20 trường hợp cấm vận lên các nước Myanmar, Sudan và Syria. 

Khi kinh tế trở thành vũ khí (1)
Các nước bị cấm vận trên thế giới

Mỹ là quốc gia hiện đại mạnh tay nhất trong việc sử dụng các lệnh cấm vận. Trong thế kỷ 20, Mỹ đã giới hạn hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư và các hoạt động tài chính đối với các quốc gia khác tổng cộng 110 lần. Mục đích của Mỹ là nhằm buộc các nước khác phải thay đổi chính sách, chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân hoặc lật đổ chính phủ. 

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Kho bạc Mỹ dường như đã trở thành nhân tố quan trọng trong an ninh quốc gia. Tự nhận mình là “đội quân du kích trong những bộ vest màu xám”, cơ quan này hiện đang quản lý 37 chương trình cấm vận nhằm vào các chính phủ, cá nhân, nhóm khủng bố hoặc nhóm tội phạm có tổ chức ở 20 quốc gia. 

Lệnh cấm vận khá đa dạng, từ đóng băng tài sản của các trùm buôn lậu ma túy Mexico và các tỷ phú Nga cho đến cấm các công ty làm ăn với Iran và Triều Tiên. 

Các lệnh cấm vận được Mỹ và EU áp đặt lên Iran kể từ năm 2010 được tất cả các nước nhập khẩu dầu của Iran tuân thủ, khiến nhân tố quan trọng nhất trong nền kinh tế nước này sụp đổ. Đồng nội tệ của Iran bên bờ sụp đổ, lạm phát leo thang. Tháng 6 năm ngoái, Hasan Rouhani thắng cử Tổng thống Iran. Vài tháng sau, Iran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân và đã đạt được thỏa thuận lịch sử.
 
Lịch sử

Trường hợp sử dụng áp lực kinh tế để đạt được mục đích chính trị đầu tiên được ghi chép lại xảy ra từ thời Hy Lạp cổ đại. Năm 432 trước Công nguyên, Megara đã cấm giao thương với Athens. 

Bộ Tài chính Mỹ lần đầu tiên áp đặt cấm vận trước chiến tranh với Anh năm 1812. Woodrow Wilson là nhà lãnh đạo hiện đại đầu tiên khuyến khích sử dụng áp lực tài chính làm công cụ thay thế chiến tranh quân sự. 

Lệnh cấm vận hiệu quả nhất là những lệnh cấm vận được áp đặt bởi nhiều quốc gia, ví dụ như khi toàn thế giới tẩy chay Nam Phi vì chính sách phân biệt chủng tộc trong những năm 1980. 

Trường hợp đem đến những hệ quả ngoài ý muốn tồi tệ nhất là lệnh cấm vận của Mỹ đối với Nhật Bản. Các lệnh cấm vận kéo theo một loạt sự kiện và cuối cùng dẫn đến vụ đánh bom Trân Châu Cảng.
Lệnh cấm vận đối với cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein cũng bị phê phán là bừa bãi và vô căn cứ.

Tranh cãi

Các tranh cãi xung quanh câu hỏi loại hình trừng phạt nào có thể tác động mạnh đến Nga cho thấy đây không phải là vấn đề dễ giải quyết. Mối quan hệ thương mại giữa EU với Nga (trong đó có sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga) khiến lệnh trừng phạt có thể gây tổn hại cho các công ty Mỹ và châu Âu. 

Thêm vào đó, trong trường hợp Cuba và Triều Tiên, lệnh cấm vận đã kéo dài hơn nửa thế kỷ không thể thay đổi chính sách và thể chế của các nước này. Những nước chú trọng đến ý kiến quốc tế và phụ thuộc vào thương mại cũng như tài chính quốc tế có phản ứng mạnh mẽ nhất, trong khi các nước còn lại thường đứng ngoài cuộc. 

Với Nga, phương Tây sẽ phải đem ra vũ khí lợi hại nhất – khả năng tiếp cận với hệ thống thẻ tín dụng và ngân hàng toàn cầu – để đe dọa ông Putin.