Kho ngoại tệ của Trung Quốc đang “bốc hơi”

Theo daibieunhandan.vn

Một năm rưỡi trước, Trung Quốc nắm trong tay kho dự trữ ngoại hối lên tới 4.000 tỷ USD. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi kho dự trữ này là niềm tự hào dân tộc, là biểu tượng sức mạnh của quốc gia. Giờ đây, khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, dấu hiệu về sức mạnh của quốc gia cũng dần mờ nhạt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sức mạnh giảm sút

Kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang “bốc hơi” nhanh chóng do tiền “chạy” khỏi Trung Quốc và Bắc Kinh phải tiến hành những động thái củng cố đồng nội tệ. Kể từ mùa hè năm 2014 đến nay, dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm gần 1/5, đặc biệt là lượng tiền “bốc hơi” trong 3 tháng qua chiếm hơn 1/3. Tính tới cuối tháng 1.2016, dự trữ ngoại tệ của nước này là 3,23 nghìn tỷ USD, mức đủ nghiêm trọng để dẫn đến những suy đoán về việc Bắc Kinh sẽ để kho ngoại hối sụt giảm tới mức nào.

Dự trữ ngoại tệ hao hụt là một trong nhiều nhân tố làm lung lay lòng tin của giới đầu tư trên thế giới vì sự suy giảm có thể tác động xấu tới hệ thống tài chính của Trung Quốc. Một số nhà đầu tư đang đặt cược rằng có thể Trung Quốc sẽ phải để mặc cho đồng nội tệ mất giá, thay vì tiếp tục tiêu lạm vào tiền dự trữ. Dự trữ ngoại hối sụt giảm cũng có thể làm phương hại tới những nỗ lực của Trung Quốc nhằm nâng cao vị thế trên thế giới vì nước này không có nhiều tiền để rót cho những dự án rầm rộ tại các nước đang phát triển.

Kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc thực tế là “sản phẩm” của chính sách quản lý tiền tệ của Trung Quốc. Trong những năm kinh tế bùng nổ mạnh nhất, đồng nhân dân tệ (NDT) của nước này đáng ra có thể tăng giá trị nhờ lượng lớn đồng USD, đồng euro và đồng yen đổ tràn ngập vào nước này. Thay vào đó, Bắc Kinh lại kiểm soát chặt giá trị đồng NDT, mua vào hầu hết ngoại tệ và cất chúng trong các két dự trữ. Do đó, Mỹ và châu Âu cáo buộc Bắc Kinh thao túng đồng nội tệ để giữ cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc không đắt và có sức cạnh tranh ở nước ngoài. Giờ đây, khi đồng NDT phải đối mặt với áp lực giảm giá, Trung Quốc phải dùng kho ngoại hối để chống đỡ cho đồng tiền này.

Biện pháp của Bắc Kinh

Các nhà quản lý ngân hàng tại Bắc Kinh đã lặng lẽ ngừng hoạt động của các quỹ đầu tư sử dụng đồng USD. Bắc Kinh cũng chỉ đạo cho các chi nhánh ngân hàng ở Hong Kong hạn chế cho vay bằng đồng NDT nhằm cản trở những nhà giao dịch và đầu tư định đầu cơ đồng NDT trên thị trường tài chính.

Kho dự trữ ngoại hối hao hụt cũng gây tác động xấu về mặt chính trị. Do đó, Bắc Kinh đang có những biện pháp can thiệp trực tiếp để củng cố két bạc của mình. Một nhân vật thạo tin yêu cầu giấu tên cho biết hiện Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quy định rằng nếu muốn đầu tư bằng tiền dự trữ của Nhà nước, một số nhà quản lý ngoại tệ phải cam kết đem lại lợi nhuận hằng năm tương đương 26% vốn nếu không thì phí quản lý của họ sẽ bị cắt giảm.

Các nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc đang tập trung phỏng đoán xem kho dự trữ ngoại tệ hao hụt thêm bao nhiêu nữa thì Trung Quốc mới cân nhắc giảm giá mạnh đồng nội tệ. Nếu theo mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thì một nền kinh tế cỡ Trung Quốc sẽ cần hao hụt 1,5 nghìn tỷ USD (nếu kèm theo các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ) và cần 2,7 tỷ USD (nếu không kèm theo biện pháp nào).

Cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Brad Setser cho rằng, Trung Quốc có thể quản lý hiệu quả kho dự trữ ngoại tệ nhỏ hơn vì mô hình dự trữ ngoại tệ lớn không thích hợp với một quốc gia có lượng tiền gửi tiết kiệm nội địa lớn như Trung Quốc. Trong khi đó, Victor Shih - chuyên gia về tài chính Trung Quốc thuộc trường Đại học California, San Diego cho rằng, về lâu dài Trung Quốc có thể giảm bớt việc dùng tiền dự trữ để đầu tư cho những dự án lớn nhằm khuếch trương hình ảnh ở nước ngoài. Chuyên gia này nói: “Khi mỗi tháng bạn mất 100 tỷ USD, bạn sẽ không còn sức để đầu tư vào con đường cao tốc hay một tuyến đường sắt ở một nơi nào đó như Pakistan”.

Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo, Trung Quốc sẽ chi phần lớn của khoản tiền 50 tỷ USD để thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), và một tháng sau đó, tuyên bố Trung Quốc cũng sẽ thành lập một quỹ 40 tỷ USD để đầu tư vào những nước là khách hàng của ngân hàng này. Tháng trước, ông Tập Cận Bình lại công bố một quỹ khác để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở những nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, số tiền chỉ vỏn vẹn 50 triệu USD. Những con số đã nói lên tất cả.