Khủng hoảng di cư và bài toán kinh tế châu Âu

PV.

Cuộc khủng hoảng di cư đang đặt ra nhiều bài toán về kinh tế đối với các nước khu vực châu Âu khi dòng người di cư lên tới hàng triệu người.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Ủy ban châu Âu (EC), dự báo Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 quốc gia thành viên sẽ tiếp nhận khoảng 1 triệu người di cư trong năm 2015, 1,5 triệu người vào năm 2016, và giảm xuống còn 500.000 người vào năm 2017. Như vậy, sẽ có tổng cộng 3 triệu người nhập cư đến EU chỉ trong vòng 3 năm

Số người di cư đến sẽ khiến dân số EU tăng thêm 0,4%. Theo EC, mặt tích cực là dòng người nhập cư này sẽ giúp kinh tế EU tăng trưởng thêm 0,2 đến 0,3% nhờ việc bổ sung nguồn nhân lực giữa lúc dân số châu Âu đang lão hóa. Nền kinh tế EU ước tính sẽ tăng trưởng 2% vào năm 2016 và 2,1% năm 2017.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nước khu vực này, nhất là trong ngắn hạn khi dòng người di cư lên tới hàng triệu người, kéo theo các khoản chi ngân sách lên tới hàng tỷ USD mà chính phủ các nước khu vực phải bỏ ra.

Nước Pháp tính toán rằng sẽ phải chi tiêu một khoản bổ sung ngay 300 triệu euro cho người di cư, trong lúc dự trữ khẩn cấp của nước này khá lớn là 8 tỷ euro. Trong khi đó, Đức đã dành 6 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trong năm 2015 và theo ước tính của hãng Standard & Poors, khoản chi ngân sách mà Đức phải bỏ ra cho người di cư trong hai năm tiếp theo sẽ lần lượt lên tới 10 tỷ euro và 12 tỷ euro.

Theo Standard & Poors, những khoản chi ngân sách lớn có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế, cải cách ngân sách của một số nước EU. Bên cạnh đó, việc hàng triệu người di cư đổ về sẽ “bào mòn“ hệ thống an sinh xã hội vốn được đóng góp bởi người dân bản địa để dành cho y tế, hỗ trợ thất nghiệp, lương hưu và giáo dục.

Châu Âu đang chia rẽ trong nhiêu vấn đề nên việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư cũng chỉ nhận được những thái độ dè dặt ­từ các nước thành viên, thậm chí một số nước cho rằng vấn đề người tị nạn không phải là trách nhiệm của toàn châu Âu.

Những quốc gia chỉ là điểm quá cảnh thì sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận người di cư vào và lại đưa họ tới một nước phía Bắc, trong khi những nước quá tải như Hungary lại không thể kiểm soát được dòng người di cư và buộc phải đóng cửa biên giới.