Khủng hoảng tài chính ở Cộng hòa Síp và sự gia tăng quyền lực của Đức

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Cuối cùng, Cộng hòa Síp đã phải nuốt viên thuốc đắng khi phải cầu viện tới gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để chặn đứng nguy cơ vỡ nợ của hệ thống ngân hàng nước này. Đằng sau thỏa thuận này là quyền lực ngày càng gia tăng của Đức - nền kinh tế lớn nhất lục địa già.

Khủng hoảng tài chính ở Cộng hòa Síp và sự gia tăng quyền lực của Đức
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Thỏa thuận cứu trợ đạt được vào phút chót này yêu cầu Chính phủ Cộng hòa Síp đóng cửa ngân hàng lớn thứ hai của nước này là ngân hàng Laiki, đồng thời cải tổ hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Cộng hòa Síp, ngân hàng số một hiện nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi ở quốc đảo này và gần như toàn bộ lượng tiền gửi của Nga, sẽ tiếp quản từ Laiki các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro, theo Luật Bảo đảm tiền gửi của EU, để trở thành ngân hàng tốt. Tuy nhiên, Ngân hàng Cộng hòa Síp sẽ áp dụng chính sách cắt giảm - thực chất là cưỡng bức xóa nợ một phần - mọi khoản tiền gửi trên 100.000 euro, vốn không được bảo đảm theo luật của EU.

Theo các chuyên gia, niềm tin vào sự an toàn đối với những khoản tiền gửi tại các ngân hàng của Síp đã bị suy yếu, đặc biệt với những người gửi tiền nước ngoài. Điều này đòi hỏi Chính phủ Síp sẽ phải áp dụng việc duy trì các biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng leo thang. Ngoài ra, khoảng 11.000 nhân viên ngành ngân hàng của Cộng hòa Síp đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp do các biện pháp tái cơ cấu ngân hàng mà Chính phủ sẽ thực hiện.

Các cuộc đàm phán về điều khoản liên quan tới gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro giữa lãnh đạo EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), IMF và Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm giúp Nicosia tự huy động gần 7 tỷ euro, đã được EU và IMF nhất trí trước đây gần 10 ngày, song, cuộc thỏa thuận này lại bị Nghị viện Cộng hòa Síp bác bỏ. Tiền cứu trợ dành cho Cộng hòa Síp chỉ bằng một phần nhỏ so với tiền cứu trợ dành cho Hy Lạp, song khủng hoảng ở quốc đảo này sẽ tác động mạnh đến các nền kinh tế gặp khó khăn khác trong EU như Hy Lạp và Italy. Trước đó, ECB tuyên bố sẽ ngừng bơm tiền cho các quỹ hỗ trợ thanh toán khẩn cấp, nếu Cộng hòa Síp không ký thỏa thuận cứu trợ với EU và IMF. Quyết định này của EC sẽ đẩy các ngân hàng của Cộng hòa Síp vào tình trạng vỡ nợ, kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế nước này.

Cầu viện gói cứu trợ có thể là giải pháp mà chính giới lựa chọn, song không phải là điều mà người dân Cộng hòa Síp mong chờ. Nhiều người than phiền rằng quốc gia nhỏ bé của họ đã bị buộc phải chịu thua trước sự áp đặt của các nước lớn trong châu lục, cụ thể là Đức. Mặc dù Ủy ban châu Âu, IMF và ECB dẫn đầu trong các cuộc đàm phán về gói cứu trợ dành cho Cộng hòa Síp, nhưng rõ ràng không có vấn đề nào được thông qua mà lại không có tác động hay cái gật đầu của Đức. Thực tế, gương mặt nổi bật của ECB trong suốt quá trình giải quyết khủng hoảng là ông Jorg Asmussen, một người Đức và là thành viên Ban điều hành của ECB, chứ không phải Chủ tịch người Italy Mario Draghi. Ông Jorg Asmussen cũng đã tạo ra dấu ấn của Đức đối với cuộc khủng hoảng. Quan điểm rõ ràng và nhất quán của Berlin về những con bệnh nợ công ở châu Âu là sự hoang phí tài chính và mô hình kinh doanh sai lầm. Giải pháp là áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng đi cùng với cải cách cấu trúc hệ thống tài chính. Những người phản đối chính sách tiết kiệm cho rằng, đơn thuốc này quá nguy hiểm, nhưng họ lại không đưa ra được các phương án thay thế có đủ sức thuyết phục. Vì thế, Đức với vị thế của mình, đã áp đặt quan điểm này để từ đó định hướng lối chơi trong nỗ lực chung của châu Âu khắc phục khủng hoảng nợ công.

Thêm vào đó là vai trò mờ nhạt của nước Pháp trong giải quyết khủng hoảng. Trước đây, người Pháp luôn tự hào là người đứng đầu trong các kế hoạch của châu Âu. Họ luôn quan niệm rằng châu Âu phải do liên minh Pháp - Đức dẫn đầu và điều này đã được thể hiện qua quyết tâm của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong xây dựng mối quan hệ mật thiết với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Francois Hollande, quan điểm nước Pháp đóng vai trò tương đương với Đức đã biến mất. Ông Hollande nhất định không đồng ý với chính sách thắt lưng buộc bụng của Đức, nhưng lại không đưa ra được một giải pháp thay thế có tính thuyết phục. Ông cũng không đặt mình vào vị trí người đứng đầu liên minh các quốc gia Nam Âu để giảm bớt sức mạnh của Đức, cũng chưa thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với bà Merkel. Các quan chức Pháp cũng không còn đóng vai trò quan trọng như họ đã từng làm ở trung tâm châu Âu trước đây, vì sau khi ông Jean - Claude Trichet nghỉ hưu, người Pháp không còn đứng đầu ECB nữa.       

Ngoài ra, cũng như các nước trước đây trong Eurozone phải xin cứu trợ, việc hệ thống ngân hàng Cộng hòa Síp sụp đổ, Chính phủ tan rã và nước này rời bỏ Eurozone sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền, kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với toàn bộ châu Âu. Vì thế, không thể không cứu Cộng hòa Síp, tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc Cộng hòa Síp sẽ phải trả giá. Nước có quyền ra giá ở đây là Đức. Rõ ràng, Cộng hòa Síp và châu Âu không có quá nhiều lựa chọn vào thời điểm này.