Kinh nghiệm tư hữu hóa: Cải tổ ngân hàng

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Trong các loạt hồ sơ năm 2007 và 2010, ĐTTC đã nêu kinh nghiệm tư hữu hóa (THH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Nay, chúng tôi lại đề cập đến lĩnh vực này nhưng ở một góc nhìn khác, đó là trên góc độ ngành, lĩnh vực.

Korea First Bank là SOCB đầu tiên của Hàn Quốc được bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
Korea First Bank là SOCB đầu tiên của Hàn Quốc được bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng (NH) được xem là một ngành có tính quan trọng hệ thống đối với nền kinh tế của một quốc gia, vì vậy các chính phủ thường muốn kiểm soát ngành này thông qua vốn sở hữu. Tuy nhiên, hệ thống NH sẽ hoạt động kém hiệu quả nếu không được THH.

Trung Âu - vai trò đầu tư nước ngoài

Tại Trung Âu, trong những giai đoạn đầu, việc THH các NHTM nhà nước (SOCB) không được chú ý. Tuy nhiên, các nhà chức trách nhanh chóng nhận ra rằng không thể phát triển một hệ thống NH hiệu quả nếu không đẩy mạnh hợp tác với NH nước ngoài. Chẳng hạn, từ giữa những năm 1990, các NH nước ngoài đã thiết lập nhiều chi nhánh và tham gia công cuộc THH Ba Lan bằng cách gia tăng vốn cổ phần, trở thành những nhà đầu tư chiến lược.

Cũng trong giai đoạn này, Hungary THH hầu hết NH thông qua bán cho các đối tác chiến lược nước ngoài. Vì đã làm sạch các bản cân đối của NH, nên các nhà chức trách Hungary không đòi hỏi các nhà đầu tư nước ngoài phải trả phí gia nhập. Trong thời gian từ 1995-2000, tổng cộng 10 NH được THH theo cách này.

Cổ phiếu của những NH lớn nhất được đưa lên thị trường chứng khoán và sau đó bán cho các nhà đầu tư tài chính nước ngoài, nhà nước chỉ nắm giữ một phần cổ phiếu “vàng” trong NH, giúp duy trì quyền phủ quyết đối với việc chỉ định thành viên HĐQT và thành viên ban giám sát.

Tại Cộng hòa Séc, bên cạnh việc THH các SOCB, chính phủ cũng cấp phép thành lập cho một lượng lớn NH tư nhân. Tuy nhiên, do kết quả đáng thất vọng của việc THH chứng từ (cổ phiếu), các nhà chức trách bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho 4 SOCB lớn. SOCB đầu tiên THH theo cách này là NHTM lớn thứ ba IPB.

Mỹ Latin - THH từng phần

Tại khu vực Mỹ Latin, các nước triển khai những chương trình THH NH ở các mức độ khác nhau. Những chương trình này thường nằm trong các nỗ lực cải tổ DNNN nói chung, liên quan đến việc THH các DNNN lớn với mục tiêu củng cố tài chính công và cắt giảm nhu cầu vay mượn.

Làm sâu sắc hơn vai trò của thị trường và khu vực tư nhân cũng là một động lực chính của THH NH ở khu vực này. Nhiệm vụ này được nhìn nhận không chỉ khiến NH hiệu quả hơn trong hoạt động, mà còn tăng cường vai trò phân bổ nguồn lực của chúng trong một nền kinh tế thị trường. Ở Argentina, tiến bộ đáng kể đã đạt được trong việc THH các NH cấp tỉnh và NH thế chấp quốc gia.

Số SOCB đã giảm từ gần 40 xuống còn 15 vào năm 2000, dẫn đến việc tập trung huy động tiền gửi cao hơn và phản ánh sự thâm nhập lớn hơn của các NH nước ngoài và khả năng cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, 2 NH lớn nhất là Nacion và Bapro (nắm giữ gần 25% tiền gửi cả nước) vẫn thuộc sở hữu nhà nước và được xem như nắm nhiệm vụ xã hội, trong đó có hoạt động cho vay nông nghiệp và các DN nhỏ và vừa.

Tại Mexico, các NHTM bị quốc hữu hóa bằng một sắc lệnh tổng thống năm 1982, trong một cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô. Các NH quốc doanh là đối tượng bị chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt và bị buộc phải tập trung kinh doanh trong các lĩnh vực công.

Vào cuối những năm 1980, chính phủ bắt tay vào một quá trình tự do hóa tài chính đầy tham vọng. Các luật mới về NHTM được đưa ra vào năm 1992 và các NH bắt đầu được bán cho khu vực tư nhân. Tuy nhiên, sau 1 thập niên bị kiểm soát chặt chẽ, hệ thống NH không có kinh nghiệm quản lý và giám sát, nên việc tự do hóa này lại đóng góp vào cuộc khủng hoảng năm 1994.

Để ngăn chặn khủng hoảng và sự sụp đổ của các NH, quỹ bảo hiểm tiền gửi phải thâu tóm 15 NH và cơ cấu lại bản cân đối của chúng trong hàng năm hoặc bán đi. Trong một số trường hợp, các chi nhánh và danh mục đầu tư của các NH được xử lý lại và bán cho các đối tượng khác nhau. Những NH khác được đặt dưới sự quản lý của người mua tiềm năng, những người mua lại các định chế đó sau khi cấu trúc lại bản cân đối của chúng.

Tại Brazil, cổ phiếu các NH nhà nước bị rớt thảm hại dẫn đến việc THH NH vào năm 2000, bao gồm 2 SOCB lớn trong khu vực là Banestado và Banespa, đã được bán lần lượt cho một NH hàng đầu trong nước (Banco Ita) và NH Tây Ban Nha BSCH. Như nhiều SOCB lớn ở Brazil, Banespa có một mạng lưới bán lẻ mạnh nhưng chi phí vận hành quá cao.

Sự hấp dẫn của những NH như vậy là chúng có thể mang lại lượng khách hàng mới, như tiền lương của một chính quyền cấp tỉnh. Mặt khác, nhiều SOCB có các nghĩa vụ lương hưu lớn (có NH lên tới 5 tỷ USD), chưa kể các vấn đề về thuế và sự liên quan tới quân đội.

Khi chương trình tái cơ cấu các SOCB hoàn tất trong thời gian khoảng 2 năm, chỉ 6 NH ở lại trong vòng tay của nhà nước, giảm đáng kể so với 30 NH vào năm 1996. Sự thay đổi nhanh chóng này được cho là nhờ chính phủ cam kết sẽ tài trợ cho tất cả chi phí tái cơ cấu với điều kiện các SOCB hoặc phải THH, chuyển đổi thành các cơ quan phát triển hoặc thanh lý.

Tại Peru, tỷ lệ sở hữu công trong hệ thống NH là 50% vào đầu những năm 1990. Đến năm 1995, sau khi thanh lý 8 định chế và bán 2 NH, hệ thống tài chính hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân. Các NH được bán thông qua đấu thầu công khai với sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhà nước chỉ kiểm soát thông qua các quy tắc an toàn đã có trên thị trường. Trước khi đấu giá, các NH được tái cấu trúc và Bộ Tài chính đã tiếp thu một phần các khoản nợ xấu.

Châu Á - tái THH

Tại châu Á, hệ thống NH đã chứng kiến làn sóng quốc hữu hóa mạnh mẽ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Trong thời kỳ khủng hoảng, việc quốc hữu hóa NH giúp các chính phủ buộc các cổ đông phải bỏ bớt các khoản nợ xấu.

Quốc hữu hóa cũng giúp tăng khả năng đàm phán tái cấu trúc với các chủ nợ. Tuy nhiên, các SOCB lại kém hiệu quả trong hoạt động vì chịu sự chỉ đạo từ những người không trực tiếp điều hành NH. Tại Thái Lan, 7/15 NHTM trở thành SOCB trong cuộc khủng hoảng năm 1997.

Sau khi khủng hoảng kết thúc, chính phủ có kế hoạch THH các NH này trong trung hoặc dài hạn. Không như các NH ở Hàn Quốc và Malaysia, các NH Thái Lan giữ các khoản nợ xấu trong sổ gần 3 năm. Vào tháng 9-2000, chính phủ quyết định chuyển một phần lớn nợ xấu của Krung Thai Bank (một SOCB) cho một công ty quản lý tài sản của chính phủ để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nợ.

Quá trình THH NH ở Thái Lan được đánh giá cẩn trọng hơn các nước trong khu vực: dù các NH nước ngoài được nắm giữ hơn 25% cổ phần NH trong nước, sau 10 năm họ không được phép tăng cổ phần trừ khi cổ phần của họ dưới mức 49%.

Tại Hàn Quốc, các NH có tỷ lệ an toàn vốn dưới mức yêu cầu 8% sẽ phải bán nợ xấu cho công ty quản lý nợ của chính phủ với giá rẻ. Ngoài ra, một số NH tư nhân khỏe mạnh được nhà nước hỗ trợ vốn để tiếp quản các NH yếu kém.

Đáng chú ý, tháng 12-1999, chính phủ đã bán cổ phần đa số của mình trong Korea First Bank cho Newbridge Capital, một quỹ đầu tư Hoa Kỳ, là vụ thôn tính SOCB đầu tiên của một định chế nước ngoài.