Kinh tế Anh còn chặng đường chật vật ở phía trước

Theo TTXVN

Đã gần ba năm trôi qua kể từ khi Chính phủ Bảo thủ của Anh lên cầm quyền hồi năm 2010, nền kinh tế Anh vẫn "sa lầy" và tiếp tục suy thoái.

Đã gần ba năm trôi qua kể từ khi Chính phủ Bảo thủ của Anh lên cầm quyền hồi năm 2010, nền kinh tế Anh vẫn "sa lầy" và tiếp tục suy thoái. Khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu lan rộng cách đây 5 năm, hãng sản xuất máy pha càphê của Anh là Fracino đã tìm cách vươn ra thị trường bên ngoài.

Từ cơ sở chính tại Birmingham, hãng Fracino đã mở rộng sang các thị trường mới tại Trung Đông, châu Á và thậm chí là Italy, với các sản phẩm máy pha càphê cappuccino và espresso kiêu hãnh mang nhãn hiệu Anh.

Năm ngoái, doanh thu từ thị trường ngoài nước chiếm 25% tổng doanh thu của Fracino, tăng mạnh so với mức chỉ 2% trước khủng hoảng. Tuy nhiên, cách đây ít tháng, hoạt động kinh doanh của Fracino trở nên khó khăn hơn khi các khách hàng trong và ngoài nước bắt đầu yêu cầu những dòng sản phẩm giá thấp hơn, lảng tránh những dòng máy pha càphê đắt tiền, khiến doanh thu của hãng tăng chậm lại.

Đã gần ba năm trôi qua kể từ khi Chính phủ Bảo thủ của Anh lên cầm quyền hồi năm 2010 với cam kết khôi phục "sức khỏe" của lĩnh vực tài chính bằng cách cắt giảm mạnh chi tiêu, nền kinh tế Anh vẫn "sa lầy" và đã rơi vào cuộc suy thoái thứ ba kể từ năm 2008.

Nợ công của Anh tiến tới năm tăng thứ ba, gây sức ép lên liên minh cầm quyền trước cuộc bầu cử Nghị viện vào năm 2015 và đưa vấn đề "thắt lưng buộc bụng" vào trung tâm chính sách kinh tế cần được xem xét lại của Anh.

Việc kinh tế Anh tạo ra hơn 1 triệu việc làm trong hai năm qua làm giới phân tích kinh tế khá ngạc nhiên. Tuy nhiên, tiền lương tăng rất ít là cái giá phải trả cho việc tuyển dụng nhiều lao động hơn.

Chương trình nhiều tham vọng của Anh năm 2010 nhằm tái cân bằng nền kinh tế bằng cách tập trung vào xuất khẩu làm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế chẳng có mấy tác dụng, do khủng hoảng kinh tế làm tổn thương các đối tác thương mại chủ chốt của châu Âu.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kể từ năm 2007 khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu diễn ra, đồng bảng Anh đã giảm 20% giá trị và thị phần của Anh trên thị trường xuất khẩu quốc tế đã giảm khoảng 6%.

Ngày 22/2, hãng đánh giá tín dụng quốc tế Moody's đã hạ mức tín nhiệm của Anh từ AAA xuống AA1, vì cho rằng nền kinh tế của quốc đảo sương mù sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp trong thời gian tới, trong khi gánh nặng nợ công ngày càng gia tăng. Moody's cũng nhận định chương trình cắt giảm nợ của nước này sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức và Anh chưa thể giải quyết được các khoản nợ lớn trước năm 2016.