Kinh tế châu Á sẽ khởi sắc

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Tăng trưởng ở nhiều nước và khu vực châu Á trong năm 2014 được kỳ vọng sẽ cải thiện nhẹ so với năm 2013 nhờ vào sự hồi phục của nhu cầu trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo nhật báo Asahi của Nhật Bản, kinh tế tăng trưởng ở hầu hết các nước châu Á trong năm mới nhờ vào việc xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi khi các nền kinh tế công nghiệp hóa ở Mỹ và châu Âu lấy lại sức mạnh. Tuy nhiên, vì một số nền kinh tế đang nổi sẽ không tăng trưởng với tốc độ vốn có trước đó nên sự phục hồi sẽ mất đi phần nào động lực.

Khối ASEAN tăng trưởng tốt

Các nền kinh tế như Hàn Quốc hay Đài Loan được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 3,5% trong khi các nước ASEAN sẽ tăng trưởng 5-6%. Riêng Indonesia đang có những quan ngại về các tác động của việc tăng lãi suất và lạm phát tăng cao nhưng những tác động này được dự báo sẽ hạn chế.

Trong khi Trung Quốc hướng đến mức tăng trưởng đều đặn khoảng 7,5% thì Ấn Độ được dự báo tăng trưởng ở mức 4,9%, tăng nhẹ so với năm 2013. Đó là bởi Ấn Độ tiếp tục tập trung vào bình ổn giá hàng hóa và thực hiện cải tổ cấu trúc kinh tế để phát triển bền vững.

Asahi dẫn lời nhà kinh tế Hidehiko Mukoyama thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định có ba điểm đáng chú ý về kinh tế châu Á năm 2014.

Thứ nhất là nền kinh tế Trung Quốc. Xét về viễn cảnh, một điểm quan trọng là tăng trưởng kinh tế có được duy trì đều đặn mà không cần dùng tới các biện pháp kích cầu kinh tế lớn hay không. Vào năm 2013, ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc đã không thực hiện các giải pháp kích cầu kinh tế quy mô lớn, như những giải pháp được giới thiệu sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers.

Một điểm khác nữa là tác động của việc thúc đẩy cải tổ. Tháng 11/2013, chính sách cải tổ cơ cấu toàn diện đã được đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, bao gồm cả các chính sách về tài chính. Các giải pháp cụ thể sẽ được thực hiện từ năm 2014. Thách thức của Trung Quốc sẽ là việc làm sao để duy trì tăng trưởng đều đặn cùng lúc với thúc đẩy cải cách kinh tế.

Điểm chú ý thứ hai là nền kinh tế Hàn Quốc. Theo ông Mukoyama, Hàn Quốc đang bị sức ép phải chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng tập đoàn “chaebol” truyền thống. Mức độ dân chủ hóa nền kinh tế (hay sự cùng tồn tại của các tập đoàn lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ) thành công tới đâu sẽ là phép thử cho chính phủ của Tổng thống Park Geun Hye.

Trong khi đó, International Business Times dẫn lời nhà kinh tế Rob Subbaraman thuộc Tập đoàn tư vấn tài chính, ngân hàng Nomura cũng dự đoán GDP của Hàn Quốc sẽ tăng 4% năm 2014 so với 2,9% năm 2013 nhờ vào xuất khẩu, một phần do nhu cầu ở Mỹ, các nước sử dụng đồng euro và Nhật Bản đang cải thiện.

Dòng chảy hội nhập kinh tế

Điểm chú ý thứ ba ở châu Á trong năm 2014 được đánh giá là sự hội nhập kinh tế trong khu vực. Ở châu Á, sự phụ thuộc lẫn nhau đã thật sự hình thành thông qua thương mại và đầu tư. Có thể kể đến như sự hội nhập kinh tế trong khối ASEAN (sẽ hình thành cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015), các thỏa thuận đối tác kinh tế giữa ASEAN và các nước ngoài khối như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Thêm vào đó là các thỏa thuận đối tác kinh tế song phương.

Năm 2013, đã có một sáng kiến hướng tới việc công nhận một Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao hàm các điều trên. Mười nước ASEAN sẽ cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand thành lập một quan hệ đối tác 16 nước. Tổng GDP của những nước này vào khoảng 20.000 tỉ USD, tương đương 30% toàn cầu và có dân số 3,4 tỉ người, khoảng một nửa dân số thế giới. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

Trong sự kết nối này, theo nhà kinh tế Mukoyama, các hoạt động của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ là tâm điểm chú ý. Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) từ năm 2012. Một thỏa thuận cơ bản về các phương thức đã đạt được từ tháng 9/2013.

Thêm vào đó, các cuộc đàm phán FTA giữa ba bên là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu từ tháng 5/2013.

Tuy còn phải đợi xem quan điểm của ba chính phủ khi giải quyết các vấn đề nhạy cảm như nông nghiệp hay sản xuất xe hơi thì đây cũng là một bước tiến ý nghĩa hướng tới hội nhập kinh tế trong châu Á nếu các thỏa thuận về FTA này được thực hiện.

Nhà kinh tế Mukoyama còn cho rằng vấn đề tỉ giá thất thường ở Ấn Độ và Indonesia cũng như các rủi ro về bất ổn chính trị ở Thái Lan và Đài Loan cần được theo dõi cẩn thận.