Kinh tế, một trong bốn cột trụ an ninh quốc gia của Mỹ

Theo Hàn Diệu My/nhadautu.vn

"Chinh phục hòa bình bằng sức mạnh", mà "vũ khí lợi hại nhất của Mỹ là sức mạnh kinh tế". Trong bài diễn văn đầu tiên về "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia" đọc ngày 19/12/2017, Tổng thống Trump gắn liền vế "kinh tế với an ninh", nhắc nhở công luận rằng trước khi bước vào Nhà Trắng, ông đã từng là một doanh nhân.

  Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Bài diễn văn về "Chiến lược an ninh" của Tổng thống Mỹ được dư luận rất mong đợi. Trước khi Tổng thống Donald Trump phát biểu ít giờ, Nhà Trắng đã cho công bố văn kiện gồm 48 trang, trình bày quan điểm chiến lược của chính quyền Trump về các vấn đề liên quan đến an ninh của Hoa Kỳ.

Nếu như các đời tổng thống Mỹ trước đây xem sức mạnh quân sự và ngoại giao là những lá chủ bài để Hoa Kỳ tỏa sáng trên sân khấu quốc tế, thì nay, Donald Trump đặt sức mạnh kinh tế lên ngang hàng với tiềm năng quân sự của Mỹ. Trình bày về "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia", tổng thống Mỹ thứ 45 chủ trương "khả năng cạnh tranh về kinh tế của Hoa Kỳ" là một vế trong "chiến lược an ninh quốc gia". Mục tiêu tổng thống Trump nhắm tới là Trung Quốc khi ông khẳng định rằng, mọi trao đổi mậu dịch giữa Mỹ với các đối tác thương mại phải được "bình đẳng, công bằng và dựa trên nguyên tắc có qua có lại".

Trung Quốc và Nga là những đối thủ

Trung Quốc trong mắt ông Trump là một "đối thủ chiến lược" của Hoa Kỳ và Washington báo trước sẽ siết lại chính sách mậu dịch song phương, "chặt chẽ hơn" trong các dự án chuyển giao công nghệ với ông khổng lồ châu Á này. Thực ra theo các nhà phân tích, lập luận này không có gì mới mẻ, khi biết rằng trong suốt thời gian vận động tranh cử, ứng viên Donald Trump từng tố cáo Trung Quốc "cướp công ăn việc làm" của người lao động Mỹ. Có điều, Washington đang trong thế của người làm xiếc đi dây, bởi vì Hoa Kỳ cần Trung Quốc để giải quyết hồ sơ hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.

Với Nga, Tổng thống Trump không khoan nhượng hơn khi ông tuyên bố "Trung Quốc và Nga thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và quyền lợi của Hoa Kỳ, muốn làm tổn hại đến an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ". Nhà Trắng lên án cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh "nhất quyết" để cho các nền kinh tế Nga và Trung Quốc "ít tự do, ít công bằng". Nước Mỹ, do vậy theo quan điểm của Donald Trump đang bước vào "kỷ nguyên cạnh tranh mới" mà ở đó, Hoa Kỳ lao vào cuộc để "giành trở lại phần thắng trong tay". Để có được thắng lợi đó thì "nước Mỹ cần phải thức tỉnh".

Một cách tổng quát hơn "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia" theo nhãn quan của Donald Trump dựa trên 4 cột trụ: bảo vệ lãnh thổ quốc gia, thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ, hòa bình và tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Trên thực tế, phát biểu đầu tiên về "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia" của Donald Trump chỉ nhằm hâm nóng lại khẩu hiệu "America First".

Tổng thống Trump giải thích khi tuyên thệ, ông từng đưa ra một nguyên tắc đơn giản: "Nhiệm vụ trên hết của chính quyền là phục các công dân Mỹ, nhất cử nhất động của chính quyền đều được cân nhắc và đặt quyền lợi của Hoa Kỳ lên đầu". Nguyên tắc đó là kim chỉ nam cho mỗi quyết định của chính quyền Trump, từ biện pháp giới hạn người nhập cư đến tăng cường an ninh biên phòng, hay kể cả việc rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris.

2017 là năm nước Mỹ phải hứng chịu nhiều thiên tai: các trận bão Harvey và Irma rồi tới trận cháy rừng bất thường xảy ra vào mùa đông... nhưng với Tổng thống Trump, thỏa thuận quốc tế chống biến đổi khí hậu được ký kết tại Paris, nỗ lực giảm nhiên liệu hóa thạch chỉ là những đòn nhằm gây thiệt hại cho "kinh tế và ngành năng lượng của Hoa Kỳ".

Sau cùng, trình bày "Chiến Lược An Ninh Quốc Gia" đúng vào lúc một tai nạn tàu hỏa vừa xảy ra tại thành phố Seattle - miền tây bắc Hoa Kỳ, Tổng thống Trump cho rằng: thay vì tài trợ đến 7 tỷ đô la hàng năm cho Trung Đông, Mỹ nên dùng số tiền đó để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Tóm lại, tổng thống Trump đang thực hiện đúng những gì ông đã cam kết: chú trọng đến người Mỹ, đến quyền lợi của dân Mỹ. Dù muốn hay không, ngôn ngữ của Donald Trump là ngôn ngữ của một doanh nhân và ông áp dụng cùng nguyên tắc khi điều hành một đất nước cũng như khi lãnh đạo một doanh nghiệp. Nguyên tắc đó là "sức mạnh của đồng tiền".

Cả Trung Quốc lẫn Nga thận trọng

Diễn văn của tổng thống Mỹ tiếp tục bằng những lời lẽ tố cáo với hai đối thủ của Mỹ đang muốn tạo ra một thế giới đi ngược lại những giá trị và lợi ích của nước Mỹ, làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới và gây chia rẽ các đồng minh và đối tác với Mỹ.

Sau những lời lẽ chỉ trích nặng nề, Tổng thống Trump quả quyết : "Chúng ta sẽ cố gắng xây dựng quan hệ đối tác lớn với họ (Nga và Trung Quốc), với các nước khác, nhưng để làm sao vẫn luôn bảo vệ lợi ích quốc gia". ĐặtNga vào vị trí đối thủ như vậy, nhưng trong diễn văn, Tổng thống Donald Trump cũng không quên nhắc lại thành quả của sự hợp tác tình báo mới đây giữa Nga và Mỹ, phá được một âm mưu khủng bố lớn ở Saint Petersbourg.

Đáp lại tuyên bố của ông Trump, ngày 19/12 phía Trung Quốc khẳng định quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ là "đôi bên cùng có lợi" và nếu hai cường quốc này đối đầu nhau thì chắc chắn cả hai bên đều sẽ chịu tổn thất lớn. Theo thông tin đăng tải trên website Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, Trung Quốc hy vọng Mỹ từ bỏ các cuộc tranh đua phân thắng bại vô nghĩa, tôn trọng sự khác biệt và tìm kiếm lập trường chung giữa hai nước.

Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho biết: "Trung Quốc sẵn sàng tồn tại hòa bình với Mỹ và các quốc gia khác trên cơ sở các bên tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên Mỹ cần thích ứng và chấp nhận đường lối phát triển của Trung Quốc".

Về phía Nga, ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, cho biết: “Nga sẽ nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, nhưng đọc qua đã cho thấy bản chất đế quốc của tài liệu, về tính chất không muốn từ bỏ thế giới đơn cực của Wasington. Nói về chiến lược an ninh mới của Mỹ thì đây là tài liệu khá lớn, chắc chắn sẽ được nghiên cứu tỉ mỉ, tất nhiên, nghiên cứu sẽ được thực hiện trong tất cả các bộ phận liên quan”.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ có "những khoảnh khắc tích cực khiêm tốn" sẵn sàng hợp tác với Nga vì lợi ích của Mỹ, nhưng điện Kremlin có thể không đồng ý với lập trường của Washington về mối đe dọa từ Moskva, ông Peskov khẳng định.