Kinh tế Mỹ 13 năm nhìn lại sau thảm họa 11/9

Theo cafef.vn

(Tài chính) Vụ khủng bố 11/9 không chỉ rúng động chính trường Mỹ mà còn khiến nền kinh tế Mỹ chao đảo. 13 năm sau, kinh tế Mỹ ra sao?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ký ức kinh hoàng

Ngày 11/9/2001, cả thế giới chấn động trước tin nước Mỹ bị khủng bố tấn công. Những cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trong vòng 102 phút lịch sử sau khi 4 chiếc máy bay bị không tặc tấn công vào các công trình biểu tượng của nước Mỹ.

8h46 ngày 11/9/2001 theo giờ địa phương, chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc WTC. Sau đó 17 phút, môt phi cơ khác mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp phía Nam.

9h37 cùng ngày, chuyến bay mang số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines tiếp tục đâm vào Lầu Năm Góc. 9h59, tòa tháp phía Nam của WTC sụp đổ. 

10h07, chuyến bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines rơi xuống một cánh đồng gần quận Shanksville, bang Pennsylvania. 10h28, tòa tháp phía Bắc của WTC sụp đổ. 
Những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên bầu trời, số người thiệt mạng lên đến hàng nghìn người. Một số nơi, tro bụi dày tới 20 cm, đánh dấu một ngày thảm họa kinh hoàng trong lịch sử nước Mỹ.

Những thiệt hại nặng nề về kinh tế

Cuộc tấn công ngay lập tức gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Mỹ nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. Các sàn NYSE, NASDAQ đều đóng cửa trong ngày 11/9 và phải ngưng hoạt động trong vòng một tuần (đến ngày 17/9). 

Cơ sở vật chất và những trung tâm xử lý dữ liệu từ xa của NYSE không bị thiệt hại bởi vụ tấn công, nhưng các công ty thành viên, khách hàng và thị trường không thể liên lạc được vì những thiệt hại lớn mà các cuộc tấn công gây ra cho các phương tiện truyền thông gần WTC. 

Khi thị trường chứng khoán New York mở cửa trở lại vào ngày 17/9/2001, sau thời gian đóng cửa lâu nhất kể từ Cuộc Đại Suy thoái 1929, chỉ số Dow Jones giảm 684 điểm (7,1%), chỉ còn 8920 điểm, mức tụt dốc chưa từng xảy ra trong vòng một ngày. Đến cuối tuần, chỉ số Dow Jones tiếp tục rơi tự do 1369,7 điểm (14,3%), lần tụt giảm lớn nhất trong vòng 1 tuần trong lịch sử của chỉ số này. 

Cũng trong 1 tuần sau vụ thảm họa kinh hoàng, TTCK Hoa Kỳ mất 1.400 tỷ USD. Đến năm 2005, Phố Wall và Phố Broadway gần Thị trường Chứng khoán New York vẫn được canh gác cẩn thận nhằm ngăn ngừa một vụ tấn công tương tự vào tòa nhà này.

Hoạt động kinh tế quận Manhattan, khu vực kinh doanh lớn thứ ba tại Hoa Kỳ (sau Midtown Manhattan và Chicago Loop) bị tàn phá nặng nề. 31,9 triệu feet vuông của khu văn phòng quận Manhattan bị hư hại. 

Chỉ riêng với thành phố New York, vụ tấn công đã gây thiệt hại trực tiếp và gián tiếp gần 100 tỷ USD, chưa kể những thiệt hại về người lớn gấp hàng trăm lần. Ngành hàng không và bảo hiểm bị thiệt hại nặng nề.

Các hãng hàng không khu vực Bắc Mỹ bị đóng cửa trong vài ngày sau vụ tấn công, các chuyến bay bị cắt giảm đáng kể cho đến khi có lệnh mới. Hệ quả của vụ tấn công là làm suy giảm các hoạt động hàng không đến gần 20%, tăng mức độ nghiêm trọng của các vấn đề tài chính cho ngành công nghiệp hàng không dân dụng vốn đã gặp nhiều khó khăn.

Việc kinh doanh và lòng tin của người tiêu dùng giảm mạnh, kéo theo niềm tin vào nền kinh tế cũng giảm mạnh trên khắp thế giới. Nền kinh tế Mỹ vốn đã rơi vào tình trạng suy thoái nay càng gặp nhiều khó khăn hơn. Cùng với nỗi lo ngại khủng bố, tất cả các nhà phân tích đều bi quan trước viễn cảnh suy thoái kinh tế.

Bức tranh kinh tế Mỹ sau 13 năm nhìn lại

Chỉ một ngày sau vụ tấn công 11/09, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhanh chóng hành động để đảm bảo không có sự gián đoạn trong hoạt động tài chính. Khi thị trường tài chính mở cửa trở lại, Fed đã khẩn cấp cắt giảm lãi suất. Đến cuối năm 2001, Fed đã giảm tỷ lệ này thêm hai lần nữa và đến năm 2003, tỷ lệ lãi suất của Fed ở mức 1%, thấp nhất trong vòng 50 năm. Hành động này đã góp phần bình ổn TTCK vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau sự cố năm 2001. Đến cuối năm 2003, tăng trưởng kinh tế đã tăng mạnh trở lại với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn và thu nhập cá nhân cao hơn.

Kinh tế Mỹ một lần nữa lại trải qua giông bão khi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ập đến, kéo theo thời kỳ tăng trưởng chậm chạp đến nay vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo nước Mỹ, đặc biệt là Fed, đã hết sức nỗ lực với những biện pháp kích thích chưa từng có nhằm vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù bức tranh còn nhiều mảng sáng tối, chí ít thì cho đến thời điểm hiện tại, kinh tế Mỹ đang dần dần hồi phục.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/8 mới đây cho thấy, mức tăng GDP trong quý II/2014 đạt 4,2%, cao hơn so với mức 4,0% được công bố hồi tháng 7 và là bước nhảy vọt so với mức tăng trưởng âm 2,1% của quý trước đó. 

Đồng thời, theo Conference Board, chỉ số lòng tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 8/2014 đạt mức cao nhất trong gần 7 năm qua. Chỉ số này tăng trong tháng thứ 4 liên tiếp, lên hơn 92 điểm, so với trên 90 điểm trong tháng 7, và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Đó là cơ sở để tin rằng người tiêu dùng sẽ sẵn lòng mở hầu bao hơn, yếu tố sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng cuối năm, bởi chi tiêu tiêu dùng quyết định đến 70% hoạt động kinh tế ở Mỹ. Sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng Bảy, với mức tăng 1%.

Một dấu hiệu khác đang cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ là từ thị trường nhà đất, với giá nhà tiếp tục giảm tốc. Chỉ số giá nhà tại 20 thành phố của Standard & Poor's/Case-Shiller trong tháng 6 tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng trong tháng 5 là hơn 9% và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2012.