Kinh tế Mỹ lạc quan, vàng giảm sâu, chứng khoán lình xình

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Phố Wall gần như không thay đổi trong phiên giao dịch thứ Năm do các thông tin hỗn hợp về kết quả kinh doanh và cả kinh tế. Trong khi đó, đồng USD tăng mạnh đã đẩy vàng giảm sâu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một số công ty báo cáo kết quả kinh doanh quý II trong ngày thứ Năm, trong đó P&G, Facebook, Whole Foods Market gây thất vọng, khiến cổ phiếu của các hãng này giảm lần lượt 4%, 1,8% và 11,6%, trong khi Expedia, Amgen, Linkedln, đặc biệt là nhà sản xuất giày thể thao Skechers USA lại có kết quả khả quan.

Trong khi đó, về thông tin kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP trong quý II tăng 2,3%, trong khi GDP quý I được điều chỉnh từ mức tăng 0,2% trong báo cáo trước thành 0,6%. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ tốt trở lại trong quý II nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh, bù đắp chi tiêu kinh doanh trang thiết bị.

Còn theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, lần đầu tiên đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng 12.000 vào tuần trước, lên mức điều chỉnh theo mùa là 267.000 đơn. Dù vậy, mức này vẫn ở mức thấp.

Sau dữ liệu kinh tế, nhiều người đã nghĩ đến gần như Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay, thậm chí nhiều khả năng là sẽ tăng ngay trong tháng 9, thay vì tháng 12. Điều này đã khiến đồng USD tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Năm, gây áp lực lên các thị trường khác, trong đó có TTCK.

Kết thúc phiên 30/7, chỉ số Dow Jones giảm 5,41 điểm (-0,03%), xuống 17.745,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,06 điểm (+0,00%), lên 2.108,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,05 điểm (+0,33%), lên 5.128,79 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, kết quả kinh doanh khả quan của Siemens, Nokia và Safran giúp chứng khoán khu vực có phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng khiêm tốn hơn phiên trước do lo ngại về triển vọng của các công ty có làm ăn với thị trường Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu bất ngờ tăng trong tháng 7 và triển vọng của các công ty Đức chưa chắc chắn.

Kết thúc phiên 30/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 37,87 (+0,57%), lên 6.668,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 45,30 điểm (+0,40%), lên 11.257,15 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 28,98 điểm (+0,58%), lên 5.046,42 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, đánh giá lạc quan của Fed về nền kinh tế Mỹ và lợi nhuận lạc quan từ một số tập đoàn lớn của Nhật Bản như Hitachi, Nintendo giúp chứng khoán Nhật Bản hồi phục, lên mức cao nhất gần 1 tuần.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm hơn 2% trở lại sau phiên hồi phục hơn 3% trước đó khi các phương tiện truyền thông nước này đưa tin, các ngân hàng đang bị kiểm tra sự tiếp xúc với TTCK thông qua các sản phẩm quả lý tài sản và các khoản cho vay thế chấp cổ phiếu.

Đà sụt giảm của chứng khoán đại lục đã ảnh hưởng, khiến chứng khoán Hồng Kông cũng quay đầu giảm trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 30/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 219,92 điểm (+1,08%), lên 20.522,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 121,47 điểm (-0,49%), xuống 24.497,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 83,40 điểm (-2,2%), xuống 3.705,77 điểm.

Trên thị trường vàng, các dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, nỗi lo Fed tăng lãi suất trong tháng 9 và đồng USD tăng mạnh khiến vàng giảm xuống mức thấp nhất gần 5 năm rưỡi trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 30/7, giá vàng giao ngay giảm 8,4 USD (-0,77%), xuống 1.088,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 4,2 USD/ounce (-0,38%), xuống 1.088,4 USD/ounce.

Bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ lạc quan, nhưng do đồng USD tăng mạnh khiến giá dầu thô đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 30/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,27 USD/thùng (-0,56%), xuống 48,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,07 USD (-0,13%), xuống 53,31 USD/thùng.