Kinh tế Nhật chưa lấy lại đà tăng trưởng

Theo thoibaonganhang.vn

Kinh tế Nhật Bản kể từ đầu năm 2016 đến nay vẫn chưa có những chuyển biến rõ nét. Khu vực sản xuất đã duy trì xu hướng giảm tốc liên tục kể từ đầu năm khi chỉ số PMI lĩnh vực chế biến chế tạo nằm ngưỡng thu hẹp liên tục kể từ tháng 3 và mới chỉ quay lại ngưỡng mở rộng 50,3 điểm trong tháng 9/2016.

 Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 28,1 nghìn tỷ JPY (269 tỷ USD) để tái khởi động nền kinh tế.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 28,1 nghìn tỷ JPY (269 tỷ USD) để tái khởi động nền kinh tế.

Ngoài ra, diễn biến về phía cầu vẫn không có nhiều điểm tích cực. Doanh số bán lẻ hàng hóa rơi vào tình trạng giảm sút liên tục qua các tháng kể từ đầu năm đến nay, trong đó tháng 8 ghi nhận mức giảm mạnh nhất 2,1% so với cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu cũng khá ảm đạm khi tính đến hết tháng 8 đã đánh dấu 11 tháng giảm liên tiếp của xuất khẩu trước sự lên giá của đồng Yên.

Kinh tế chuyển biến chậm chạp đang tạo áp lực đưa Nhật Bản quay trở về tình trạng giảm phát khi tốc độ tăng chỉ số giá tiếp tục duy trì tình trạng tăng trưởng âm liên tục trong các tháng của quý III, trong đó tháng 8 giảm -0,5% so với cùng kỳ, mức lạm phát thấp nhất kể từ đầu năm 2014 trở lại đây.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Nhật Bản đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 28,1 nghìn tỷ JPY (269 tỷ USD) để tái khởi động nền kinh tế. Mục tiêu chính của ngân sách nhắm vào cải cách nhân khẩu học, các dự án cơ sở hạ tầng và tái thiết các khu vực bị động đất. 

Về phía ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ), trong cuộc họp cuối cùng của quý III, diễn ra vào tháng 9, BOJ cũng đã phát đi một thông điệp rõ ràng hơn về cách thức điều hành chính sách tiền tệ trong tương lai.

Theo đó, BoJ đã chuyển mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ từ mở rộng cung tiền về kiểm soát đường cong lãi suất, quy mô chương trình mua tài sản do đó không duy trì ở mức 80 nghìn tỷ JPY (~781 tỷ USD) như trước mà sẽ linh hoạt hơn trong ngắn hạn. Chính sách lãi suất âm -0,1% tiếp tục giữ nguyên kèm với tuyên bố sẽ kiên trì với mục tiêu lạm phát 2% và cắt giảm thêm lãi suất điều hành trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế, các gói kích thích trên chưa đủ động lực để tạo đà cho cỗ máy kinh tế Nhật. Theo ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin cho rằng kinh tế Nhật Bản có thể sẽ vẫn trì trệ trong quý III/2016 và quý IV/2016 do thiếu động cơ tăng trưởng.

Theo đó, tăng trưởng thu nhập của các hộ gia đình Nhật Bản không đủ mạnh để thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, trong khi đồng yên tăng giá dự kiến sẽ làm suy yếu xuất khẩu và chi tiêu vốn của các doanh nghiệp.