Kinh tế phục hồi, người Mỹ ... ly hôn

Theo cafef.vn

(Tài chính) Ly hôn góp phần tạo nên các hộ gia đình mới, làm tăng nhu cầu về nhà ở, thiết bị gia dụng, đồ nội thất. Ly hôn cũng hối thúc phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thời buổi kinh tế khó khăn đã khiến Amy Derose và người chồng Lawrence phải tiếp tục kéo dài cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhằm duy trì công ty do hai người lập nên ở Pompano Beach, Florida.

“Công việc kinh doanh vẫn phải tiếp tục và chúng tôi không thể ly dị. Ông ấy cần tôi trong hoạt động kinh doanh và tôi cũng cần đến ông ấy”, Derose – 53 tuổi và đã kết hôn 35 năm – nói.

Với nền kinh tế của Florida cũng như thị trường nhà đất hồi phục, doanh thu của công ty gồm 24 nhân sự đã tăng lên. Điều này cho phép hai vợ chồng sớm tiến hành thủ tục ly hôn trong tháng này. Bà Derose đang tìm một công việc mới và “không thể cảm thấy hạnh phúc hơn lúc này”. 

Năm 2012, số người Mỹ ly hôn tăng lên khoảng 2,4 triệu người và có năm tăng thứ ba liên tiếp. Trước đó, trong 18 tháng kinh tế Mỹ suy thoái, con số này luôn sụt giảm. Mặc dù ly hôn gây nên những tác động tiêu cực về mặt xã hội, đây lại là nhân tố khá tích cực đối với nền kinh tế bởi góp phần tạo nên các hộ gia đình mới, làm tăng nhu cầu về nhà ở, thiết bị gia dụng, đồ nội thất và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ly hôn cũng hối thúc phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. 

Theo Jessamyn Schaller – giáo sư kinh tế tại ĐH Arizona, năm 2009, tỷ lệ ly hôn ở Mỹ thấp nhất trong 40 năm. Tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi trong thời kỳ 1940 – 1981 trước khi sụt giảm 1/3 năm 2009. 

Xu hướng tỷ lệ ly hôn tăng lên cũng trùng hợp với xu hướng tăng trong số lượng các hộ gia đình. Gần 5,3 triệu hộ gia đình được hình thành trong 4 năm qua sau khi giảm xuống mức dưới 400.000 năm 2009. Các hộ gia đình mới sẽ cần đến những căn hộ mới và kèm theo đó là đồ đạc mới.

Ly hôn cũng giúp ngành xây dựng nhà ở hồi phục. Theo Gregory Mutz – CEO của AMLI Residential Properties Trust, những người đàn ông mới ly hôn sẽ thuê căn hộ ở vùng lân cận bởi họ muốn ở gần con cái và tham dự các sự kiện của chúng ở trường. 

Theo Philip Cohen – giáo sư xã hội học tại ĐH Maryland, khoảng 150.000 vụ ly hôn đã bị hoãn lại trong thời kỳ 2009 – 2011. Ông đã viết về mối liên hệ giữa các vụ đổ vỡ hôn nhân và chu kỳ phát triển của nền kinh tế trong một báo cáo mới được công bố tháng trước. 

Còn theo nghiên cứu được giáo sư Schaller công bố tháng 5/2012, tỷ lệ ly hôn cũng có mối liên hệ với tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 1 điểm phần trăm tương đương với tỷ lệ kết hôn giảm 1,5%. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm từ 10% trong tháng 10/2009 xuống còn 6,6% (thấp nhất 5 năm) trong tháng 1. 

Ở Florida và Arizona, hai bang có giá nhà tăng mạnh sau khi lao dốc không phanh trong suốt thời kỳ khủng hoảng, tỷ lệ ly hôn của năm 2011 hồi phục và vượt qua mức của năm 2008. 

TTCK và thị trường nhà đất cùng khởi sắc giúp các cặp đôi được đảm bảo hơn về tài chính và do đó tỷ lệ ly hôn tăng lên. Khi bong bóng nhà đất vỡ tung, các vụ ly hôn trở nên phức tạp hơn nhiều bởi các cặp vợ chồng cùng sở hữu những ngôi nhà với số nợ vượt quá khả năng chi trả của họ. 

Phụ nữ đã ly hôn cũng sẵn sàng tìm việc và làm việc hơn so với các phụ nữ có gia đình. Khoảng 67% phụ nữ ly hôn tham gia vào thị trường lao động trong năm 2011, trong khi tỷ lệ của phụ nữ kết hôn và của nữ giới nói chung lần lượt là 67% và 60%. Tỷ lệ thất nghiệp trong nữ giới cũng giảm xuống mức 5,9% trong tháng 1.