Kinh tế - tài chính quốc tế tuần qua có điểm gì nổi bật?

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại các thông tin kinh tế - tài chính quốc tế nổi bật trong tuần vừa qua (từ 15 - 19/01/2018).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sàn cho vay tiền ảo Bitconnect bất ngờ đăng thông báo ngừng hoạt động cho vay tiền ảo và tạm thời đóng sàn giao dịch nội bộ. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì có nguy cơ bị mất trắng.

Bitconnect cho biết có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc dừng hoạt động này. Thứ nhất, các tin tức tiêu cực trên phương tiện truyền thông khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy thiếu tự tin vào nền tảng này. Thứ 2, Bitconnect đã nhận được 2 yêu cầu dừng hoạt động từ Sở giao dịch chứng khoán tại các bang Texas và Bắc Carolina. Thứ 3, hacker đã liên tục tấn công hệ thống khiến các giao dịch liên tục bị từ chối trong những ngày qua. Ngay sau thông báo đầy bất ngờ của Bitconnect, nhà đầu tư đã đồng loạt bán tháo đồng tiền này. 

Ngày 18/1, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici đã cáo buộc một số nước châu Âu là "hố đen về thuế", đồng thời cam kết sẽ gây áp lực đối với những nước này. Theo ông Moscovici, khi phát hiện dòng thuế chảy về bất kỳ quốc gia nào như Cộng hòa Ireland, Hà Lan, Luxembourg, Malta hay Cộng hòa Cyprus thì các nước cần phải đối thoại để tìm ra cách xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là những "thiên đường thuế".

Dự kiến, tại cuộc họp tới vào ngày 23/1, các bộ trưởng Tài chính EU sẽ đưa 8 quốc gia và vùng lãnh thổ ra khỏi "danh sách đen về thuế". Các quốc gia và vùng lãnh thổ này đã đưa ra các cam kết cải tổ về thuế và sẽ được chuyển từ danh sách "đen" sang danh sách "xám", tức là vẫn bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Được EU công bố lần đầu tiên ngày 5/12/2017, danh sách "xám" gồm 47 nước và vùng lãnh thổ sẽ được bổ sung thêm 8 cái tên mới là Panama, Hàn Quốc, Barbados, Grenada, Macau (Trung Quốc), Mông Cổ, Tunisia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Triển vọng giá cả hàng hóa toàn cầu năm 2018

Theo ông Terry Reilly, một chuyên gia tại Futures International (một trong những công ty môi giới hàng đầu trên thị trường nông nghiệp) cho rằng đã kết thúc thời kỳ giá cả các nguyên vật liệu thấp bởi năm 2018 các quỹ đầu tư sẽ hướng đến các loại hàng hóa này, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Nhu cầu và giá cả tăng cao là thực tế được ghi nhận với các kim loại được sử dụng trong ngành năng lượng tái tạo như đồng phục vụ sản xuất đường dây truyền tải và dây cáp dùng trong các tấm thu năng lượng mặt trời. Tình hình tương tự với nhôm, được sử dụng rộng rãi trong các loại xe điện.

Giá dầu cũng trên đà gia tăng trong bối cảnh các nhà xuất khẩu dầu mỏ nhất trí cắt giảm sản lượng và nhu cầu toàn cầu tăng cao. Các nhà đầu tư hiện đang đặt cược ròng cho việc giá dầu WTI (giao dịch tại Mỹ) và dầu Brent sẽ có thể phá mốc 70 USD/thùng trong năm 2018. Cùng với sự gia tăng của giá dầu, giá các sản phẩm năng lượng, như dầu, khí tự nhiên và than đá, được dự báo sẽ tiếp tục tăng 4% trong năm 2018.

Về phía các mặt hàng nông sản, WB cũng dự báo giá nông sản giữ được đà tăng trong năm 2018 do nguồn cung giảm trước tác động của các hiện tượng thời tiết bất thường. Mặc dù vậy, hầu hết các thị trường thực phẩm đang được cung cấp đầy đủ và tỷ lệ dự trữ, tiêu dùng của một số loại ngũ cốc được dự báo đạt mức cao trong nhiều năm, qua đó hạn chế việc tăng mạnh của giá nông sản trong thời gian tới. Theo đó, mức tăng của giá nông sản trong năm 2018 chỉ dao động quanh ngưỡng 1 - 2%.

Năm 2017, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,9%
Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốcquý IV/2017, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của quý III/2017 và cao hơn so với 6,7% theo dự báo của các nhà phân tích, do lĩnh vực công nghiệp phục hồi, thị trường bất động sản sôi động và xuất khẩu tăng.
Tính chung cả năm 2017, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, cao hơn so với mức tăng 6,7% của năm 2016, đây là lần tăng tốc đầu tiên kể từ năm 2010.
Năm 2017, thâm hụt ngân sách của Nga tương đương 1,5% GDP 
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, năm 2017, thâm hụt ngân sách của Nga tương đương 1,5% GDP, thấp hơn so với 2,2 - 2,5% GDP (ước tính ban đầu); Dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2018 tương đương 1,3% GDP, tuy nhiên ngân sách của Nga có thể đạt thặng dư do giá dầu tăng cao hơn dự báo.
Giá dầu cao đã giúp đồng RUB mạnh hơn, song Bộ Tài chính Nga dự kiến tiếp tục mua ngoại tệ để ổn định giá trị đồng nội tệ.