Kinh tế Thái Lan trong “cơn sóng” bất ổn

Huyền Thu

(Tài chính) Bất ổn chính trị leo thang tại Thái Lan trong những tuần vừa qua khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp ô tô, tài chính ngân hàng, du lịch… bị tác động nặng nề, thậm chí nhiều công ty lớn phải ngừng hoạt động.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh hưởng lớn

Làn sóng biểu tình rầm rộ chống Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra ở Thái Lan đang lan rộng đã đẩy kinh tế nước này lún sâu hơn vào khủng hoảng chính trị, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan - Korn Chatikavanij cho biết, những cuộc biểu tình có thể “lấy đi” 0,3-0,5% GDP của đất nước trong năm nay và sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của các nhà đầu tư. Đã có khoảng 1.700 cửa hàng, khu kinh doanh thương mại và nhiều khách sạn tại Thủ đô Bangkok phải dừng hoạt động.

Các chuyên gia kinh tế quan ngại, hỗn loạn chính trị kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và có thể giảm tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan trong năm 2013 xuống dưới mức 3%. Không những thế, Thái Lan vừa bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 2,25% đã tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á.

Trong “cơn sóng” bất ổn đang xảy ra, ngành du lịch Thái Lan dự kiến cũng sẽ thất thu hơn 25 triệu baht. Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan cho biết, các cuộc biểu tình hiện nay đã ảnh hưởng tiêu cực tới du lịch, dự kiến lượng khách du lịch tới nước này sẽ giảm từ 8-10%, vào khoảng 500.000 khách trong tháng 12 này. Cho tới thời điểm đầu tháng 12 đã có gần 40 nước khuyến cáo công dân nên cân nhắc khi du lịch đến Thái Lan khi xung đột chưa chấm dứt.

Hỗn loạn chính trị có thể giảm tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan trong năm 2013 xuống dưới mức 3%. Lượng khách du lịch tới nước này dự kiến sẽ giảm từ 8-10%, vào khoảng 500.000 khách trong tháng 12 này.

Theo Liên đoàn công nghiệp Thái Lan, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra lưỡng lự khi đầu tư vào Thái Lan, nơi quy định luật pháp đang bị tranh cãi và không có hiệu lực. Những ai đã đầu tư thì đang cân nhắc việc chuyển sang các quốc gia láng giềng. Cạnh tranh về đầu tư của Thái Lan đang chuẩn bị tụt hậu so với các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Myanmar.

Giải pháp đối phó

Để đối phó với những ảnh hưởng về kinh tế, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã triệu tập một cuộc họp với các bộ trưởng kinh tế nhằm vạch ra kế hoạch kích thích nền kinh tế để khôi phục thương mại, đầu tư và tạo công ăn việc làm.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Teerat Rattanasevi cho biết, Chính phủ đã nhất trí bơm thêm một gói kích cầu hỗ trợ cho nền kinh tế trì trệ do khủng hoảng chính trị kéo dài hàng tháng nay. Các cơ quan liên quan tới kinh tế sẽ có nhiệm vụ soạn ra các biện pháp kích thích trong những ngày còn lại để có thể áp dụng ngay từ đầu năm tới.

Cho dù có những dự báo khá ảm đạm cho bức tranh kinh tế Thái Lan trong năm 2013 và cả năm 2014, tuy nhiên, nếu nhìn vào những lần bất ổn trước đó, các chuyên gia tin rằng bất ổn chính trị ở Thái Lan rồi sẽ qua, nền kinh tế sớm phục hồi, cho dù sự phục hồi đó có thể chậm chạp và ảnh hưởng tới sức mạnh vốn có của nền kinh tế thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 12 - 2013