Kinh tế thế giới 2013 có nhiều điểm sáng

Theo vietstock.vn

(Tài chính) Các nền kinh tế chính của thế giới vượt qua năm 2013 với nhiều dấu hiệu khả quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh tế thế giới vẫn trong quá trình phục hồi một cách chậm chạp, mong manh, bên cạnh nhiều gam mầu ảm đảm, năm 2013 ghi nhận nhiều điểm sáng, với triển vọng khả quan hơn trong năm 2014.

Kinh tế Mỹ phát triển chậm nhưng khá vững chắc

Các chỉ số kinh tế khả quan trong những ngày gần đây đã làm tăng lòng tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ kể từ sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 18/12 thông báo thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng (hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng QE-3). Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống còn 338.000 người, thấp nhất trong gần một tháng qua. Trước đó, giới phân tích chỉ kỳ vọng con số này là 350.000 người.

Chứng khoán Phố Wall lập các kỷ lục mới. Chỉ số Dow Jones đã liên tục lập kỷ lục 6 phiên giao dịch liên tiếp. Đây là chuỗi ngày giao dịch tốt nhất kể từ tháng 3 năm nay. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số S&P 500 đã tăng mạnh tới 29,2%, chủ yếu nhờ các biện pháp kích thích tăng trưởng của FED. Chỉ số này đang hướng tới kết thúc năm giao dịch tốt nhất kể từ năm 1997 đến nay.

Trong danh sách 100 tập đoàn có giá trị lớn nhất trên thị trường chứng khoán thế giới, Mỹ hiện vẫn giữ vững ngôi đầu với 47 tập đoàn. Trong năm 2013 sắp qua, 100 tập đoàn có giá chứng khoán lớn nhất thế giới gia tăng 15% giá trị, lên khoảng 14,8 nghìn tỷ USD. Anh xếp vị trí thứ hai có 11 công ty, Trung Quốc có 9 công ty và Đức có 6 công ty.

Trung Quốc: FDI sử dụng thực tế tiếp tục tăng trưởng trong 10 tháng liên tiếp

Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo tăng trưởng kinh tế quốc gia đạt 7,6% trong năm 2013, giảm nhẹ so với mức 7,7% năm 2012. Trước đó, GDP của Trung Quốc đạt 9,3% vào năm 2011.

Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, số người nghèo ở nông thôn đã giảm khoảng 67 triệu người từ năm 2010 đến năm 2012. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2012 Trung Quốc chỉ có gần 100 triệu nông dân sống trong cảnh nghèo đói.

Lợi nhuận ròng tính trên mỗi đầu người tại các địa phương rất nghèo trong giai đoạn 2010-2012 tăng từ mức 3.279 NDT (537 USD) lên 4.602 NDT (753 USD), với tốc độ tăng trưởng trung bình 18,6%. Cơ sở hạ tầng tại các vùng này liên tục được cải thiện, giáo dục tại vùng nông thôn cũng từng bước đi lên. Tính đến cuối năm 2012, 97% trẻ em có độ tuổi 7-15 đã được đến trường. Bản dự thảo định hướng phát triển giảm thiểu đói nghèo cho vùng nông thôn Trung Quốc giai đoạn 2011-2022 đặt mục tiêu lợi nhuận ròng hàng năm tính trên mỗi đầu người là 2.300 NDT.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc công bố trong buổi họp báo ngày 18/12, từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, đã có 20.434 xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập mới tại Trung Quốc, giảm 9,19% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên vốn đầu trực tiếp tư nước ngoài (FDI) sử dụng thực tế lại đạt 105,56 tỷ USD, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 10 tháng liên tiếp. Riêng trong tháng 11, vốn FDI sử dụng thực tế tại Trung Quốc là 8,48 tỷ USD, tăng 2,35% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, kể từ đầu năm đến hết tháng 11, 10 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á đã đầu tư vào Trung Quốc tổng cộng 91,46 tỷ USD, tăng 7,45%, trong đó Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đầu tư vào Đại lục 69,32 tỷ USD, tăng 9,92%; Nhật Bản đầu tư 6,759 tỷ USD, tăng 2,29%; Hàn Quốc đầu tư 2,916 tỷ USD, tăng 8,57%. Đáng chú ý, trong thời gian này, Thái Lan cũng đầu tư vào Trung Quốc 480 triệu USD, tăng 466,04% so với cùng kỳ.

Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đầu tư lớn thứ hai vào Trung Quốc với 6,819 tỷ USD, tăng 17,36%, trong đó Đức đầu tư 2 tỷ USD, tăng 43,74%; Hà Lan đầu tư 1,199 tỷ USD, tăng 10,63%. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc trong 11 tháng cũng tăng 8,6% với 3,162 tỷ USD.

Khu vực duyên hải miền Đông tiếp tục là khu vực thu hút vốn FDI lớn nhất Trung Quốc với 88,164 tỷ USD, tăng 5,17%; tiếp theo là khu vực miền Trung với 9,199 tỷ USD, tăng 9,52%; khu vực miền Tây thu hút được 8,143 tỷ USD, tăng 4,51%.

Ngành dịch vụ thu hút nhiều vốn FDI nhất của Trung Quốc trong 11 tháng vừa qua với 54,247 tỷ USD, tăng 14,04%, chiếm 51,4% tỷ trọng trong tổng số vốn FDI trên toàn Trung Quốc.

Kinh tế EU đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu hồi phục

Theo các dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), trong năm 2014 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 28 nước thành viên EU sẽ tăng 1,4% và ở 17 nước eurozone là 1,1%. EC cho rằng mặc dù đây chưa thể được xem là một chiến thắng song có tín hiệu rõ rệt về việc nền kinh tế châu Âu đã đi gần đến "ngã rẽ mới". Từ mùa Hè năm 2013, Cơ quan Thống kê châu Âu đã bắt đầu ghi nhận sự cải thiện từng bước các chỉ số kinh tế vĩ mô, trong đó khu vực Đông Âu có bước phục hồi nhanh hơn ở Tây Âu.

Nền kinh tế Đức sẽ bước vào năm 2014 trong một môi trường khá thuận lợi. Đức vẫn đóng vai trò là đầu tàu kinh tế châu Âu nhờ chính sách thắt lưng buộc bụng của bà Angela Merkel và nỗ lực của các bộ trưởng tài chính. Các cuộc cải cách trong eurozone đã cho thấy một số kết quả tích cực và đang dần hé lộ tương lai sáng sủa hơn năm 2013.

Cùng chiều hướng này, một đầu tàu khác là nền kinh tế Anh cũng hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan. Chính phủ nước này đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng tăng, đặt ra nhiệm vụ tăng trưởng GDP 2,4%. Cơ sở điều chỉnh này là tỷ lệ thất nghiệp giảm và mới đây chính quyền Anh đã thông qua chính sách tái công nghiệp hóa.

Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và doanh nghiệp của Anh (CEBR) dự báo sản lượng kinh tế của Anh sẽ vượt Pháp vào năm 2018, sau đó vượt Đức vào năm 2030. Theo nghiên cứu này, Đức sẽ mất vị trí nền kinh tế lớn nhất Tây Âu vào tay Anh vào năm 2030 do Anh có tốc độ tăng dân số nhanh hơn và ít phụ thuộc hơn vào các nền kinh tế châu Âu khác.

Trên bình diện chung toàn EU lần đầu tiên kể từ năm 2011, tình trạng thất nghiệp đã cho thấy chiều hướng giảm. Trong khi đó, tình trạng của nền kinh tế Pháp vẫn bị đánh giá là đáng lo ngại. Trong quý 3/2013, tăng trưởng GDP của nước này giảm 0,1% cùng với sự sụt giảm sản xuất công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng. Chính phủ Pháp hiện chưa vội tiến hành cải cách, và vì vậy không phải ngẫu nhiên trong tháng 11 các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã hạ mức đánh giá khả năng thanh khoản của Pháp. Cách đây 1 tuần, EU cũng đánh mất mức tín nhiệm cao nhất hiện nay khi Standard&Poor’s hạ mức tín nhiệm dài hạn xuống mức AA+ và dự báo ổn định ở mức AAA. Standard&Poor’s cho rằng mối liên kết kinh tế giữa các nước EU đang xấu đi và việc xử lý nợ vẫn chưa cho thấy bước khả quan./.