Kinh tế toàn cầu đang ở đâu sau khủng hoảng tài chính?

Theo danviet.vn

(Tài chính) Có thể dùng 3 từ để mô tả thực trạng kinh tế toàn cầu 5 năm sau khủng hoảng là: bền vững, tăng tốc và tái cân bằng.

Giai đoạn mới của toàn cầu hóa hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: internet
Giai đoạn mới của toàn cầu hóa hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: internet
Đã 5 năm trôi qua kể từ khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ và gây ra hỗn loạn tài chính đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của cuộc suy thoái lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Dù rằng hậu quả của cuộc suy thoái này chưa được khắc phục hoàn toàn, chúng ta có thể dùng 3 từ để mô tả những bài học đã rút ra cũng như những thách thức còn sót lại và phải khắc phục nốt.

Từ đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta sẽ là “bền vững” (resilience). 5 năm trước, nhiều người đã lo sợ sự lặp lại của 1 cuộc Đại suy thoái những năm 1930s. Trên thực tế, như Barry Eichengreen và Kevin O’Rourke đã chỉ ra, sự sụp đổ của nền sản xuất công nghiệp thế giới vào năm 2008-2009 có những dấu hiệu ban đầu rất giống với cuộc Đại suy thoái năm 1929-1933. Thương mại thế giới cũng như các chỉ số chứng khoán thậm chí giảm còn nhanh hơn.

Tuy nhiên, may mắn cho nền kinh tế thế giới là lịch sử đã không lặp lại. 5 năm kể từ khởi đầu của cuộc Đại suy thoái năm 1929, thế giới vẫn chìm ngập trong khủng hoảng với các giao dịch thương mại giảm mạnh. Ngày nay, bất chấp việc Mỹ vẫn tìm cách vượt qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất và có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ chiến tranh thế giới II, cũng như GDP của khu vực đồng euro chưa thể hồi phục lại mức trước khủng hoảng, sản lượng toàn cầu vẫn tăng 15% kể từ năm 2008 và thương mại thế giới cũng tăng 12%.

Thế giới đã thoát khỏi cuộc Đại suy thoái phiên bản 2 bởi lẽ thực sự năm 2008 chẳng hề có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nào. Thực sự xảy ra chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và sau đó lan rộng sang khu vực EU bởi lẽ hệ thống tài chính của Mỹ và EU gần như đã được hòa nhập hoàn toàn. Phần còn lại của thế giới gần như “miễn nhiễm” với cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc và các quốc gia mới nổi chủ yếu bị ảnh hưởng bởi cú sốc cầu nghiêm trọng ảnh hưởng đến xuất khẩu của họ chứ không phải bởi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Ngược lại, giá trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc và các quốc gia khác nắm giữ đã tăng mạnh do lãi suất giảm.

Một lý do khác của cuộc phục hồi nhanh chóng này là các biện pháp ứng phó tức thời do các quốc gia G-20 tổ chức. Lần đầu tiên, các quốc gia đang phát triển và mới nổi đã tham gia vào nỗ lực chống giảm phát cùng với các đối tác đã phát triển của họ. Đồng thời họ cũng cam kết chống lại các biện pháp bảo hộ thương mại.

Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng chứng minh một điều rằng kinh tế toàn cầu không chỉ có 1 động lực tăng trưởng. Điều này giúp kinh tế Mỹ có thời gian phục hồi, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng của khu vực EU thành một cuộc suy thoái chung.

Từ thứ 2 mà chúng ta dùng để mô tả kinh tế thế giới 5 năm qua là “tăng tốc” (acceleration). Vào năm 2008, ai cũng biết rằng sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi và đang phát triển đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới và ai cũng nghĩ rằng đây là xu hướng dần dần và lâu dài. Tuy nhiên trên thực tế, quá trình mà mọi người nghĩ sẽ kéo dài 1 đến 2 thập niên chỉ diễn ra trong vòng 5 năm.

Chỉ một thống kê đơn giản cũng có thể minh họa cho quan điểm này: vào năm 2007, các quốc gia phát triển chiếm khoảng3/4 tổng GDP của khối G-20. Tuy nhiên đến năm 2012, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 63%. Sự kết hợp của chênh lệch trong tăng trưởng cũng như giá dầu và giá nguyên liệu thô tăng cao đã dẫn đến sự dịch chuyển trong việc phân phối lại thu nhập của thế giới.

Hơn thế nữa, tình trạng tài chính công ở tất cả các quốc gia phát triển đều xấu đi nhanh chóng. Nếu chỉ 10 năm trước đây thôi, khủng hoảng nợ công được coi là “bệnh dịch” của riêng các quốc gia đang phát triển thì ngày nay, căn bệnh này đã lan đến cả các nền kinh tế phát triển. Số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tỷ lệ nợ/GDP trung bình của các quốc gia phát triển vào cuối năm 2012 là 110% trong khi đó tỷ lệ này của các quốc gia mới nổi là 35% và 42% cho các quốc gia thu nhập thấp.

Tất nhiên các thống kê này có thể dẫn đến cách hiểu sai lầm. Mỹ và khu vực EU vẫn đang tận hưởng các dịch vụ nhờ vào lượng vốn đầu tư khổng lồ ban đầu  như máy móc, nhà cửa cũng như cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ trước đây. Hơn thế nữa, các loại vốn vô hình ngày càng trở nên quan trọng: gần đây các nhà chức trách Mỹ đã điều chỉnh tăng GDP của nước này thêm 400 tỷ USD sau khi tính cả chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển vào đầu tư.

Các quốc gia mới nổi có thể tăng trưởng nhanh hơn nhưng tỷ lệ tổng lượng vốn bình quân của họ không thể nào bì với các quốc gia phát triển (và trên thực tế là đây chính là thước đo của phát triển).
Mặc dù vậy, chính trị toàn cầu là nơi mà thu nhập thương đối thay đổi và tình trạng nghèo nàn trong tài chính công của các nước giàu trở thành vấn đề nghiêm trọng. Khi Mỹ và EU dọa sẽ chấm dứt hỗ trợ tài chính cho Ai Cập nhằm gây ảnh hưởng đến hành xử của giới lãnh đạo quân sự nước này, họ nhanh chóng nhận ra rằng Ảrập Xêút và các quốc gia vùng Vịnh khác mới có ảnh hưởng hơn vì các quốc gia này có nhiều tiền hơn.

Điều này dẫn chúng ta đến với từ cuối cùng trong cụm 3 từ này: “tái cân bằng” (rebalancing). Toàn cầu hóa phiên bản 1.0 được xây dựng chủ yếu dựa trên người tiêu dùng Mỹ và nhà sản xuất Trung Quốc. Giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa cần phải được dựa trên người tiêu dùng và nhà sản xuất tại phần còn lại của thế giới.

Theo tính toán của Homi Kharas và Geoffrey Gertz thuộc viện Brooking Institution thì so với năm 2003, hiện nay số người có trong túi từ 10 đến 100 USD để tiêu dùng một ngày đã tăng thêm 700 triệu người so với năm 2003. Hơn thế nữa, giai cấp trung lưu được kỳ vọng sẽ tăng lên đến 1,3 tỷ người trong vòng 10 năm tới. Do đó, triển vọng cho một cuộc tái cân bằng lại mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển là rất rõ ràng.

Giai đoạn mới của toàn cầu hóa hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Thay vì xu thế thương mại 1 chiều như trong vòng 2 thập kỷ qua, toàn cầu hóa giai đoạn mới đồng nghĩa với việc các hộ gia đình tại các quốc gia đang phát triển sẽ trở nên giầu có hơn, cơ hội cho các nhà sản xuất tại các nền kinh tế phát triển cũng nhiều hơn. Cùng lúc đó, thói quen tiêu dùng cần phải thay đổi: tầng lớp trung lưu không thể tăng lên gấp 3 và tiếp tục dựa tren xu thế chi tiêu sử dụng nhiều năng lượng và cacbon.

Tuy nhiên, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để có thể khai thác được lợi thế của toàn cầu hóa phiên bản 2.0

Một phần do các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ mà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2008 chủ yếu là do đầu tư chứ không phải tiêu dùng. Chính điều này đã gây trở ngại cho việc tái cân bằng nhu cầu vốn rất cần thiết của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu được duy trì bởi sự bùng nổ “giả tạo” trong đầu tư – và sự bùng nổ này hiện đang thu hẹp dần. Nhu cầu tiêu dùng vẫn dựa quá nhiều vào các ngành sử dụng nhiều năng lượng và cacbon. Do đó thời kỳ chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới này vẫn phải được quản lý cẩn thận. Sự hỗn loạn trên thị trường ngoại hối của các quốc gia mới nổi gần đây cho thấy thị trường ngoại hối rất mong manh và dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực.

Chúng ta có lý do để vui mừng vì tính độc lập và vững chãi mà nền kinh tế thế giới đã thể hiện kể từ năm 2008 cũng như sự tăng tốc của quá trình tái cân bằng lại sức mạnh của nền kinh tế tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, việc tái cân bằng nhu cầu (cả về mặt định tính và định lượng) vẫn còn là một thách thức to lớn. Trừ khi chúng ta nỗ lực hơn nữa trong việc đạt được các mục tiêu này, vẫn còn quá sớm để bật sâm-panh ăn mừng chiến thắng.