Kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động

Theo kinhtedothi.vn

Sau những bất ngờ và bối rối về kết quả kịch tích của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (8/11), thị trường toàn cầu đã hồi phục trở lại khi các nhà đầu tư bình tĩnh đánh giá về ông chủ tương lai của Nhà Trắng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, thị trường được dự đoán sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới khi ông Donald Trump công bố những biện pháp chính sách điều hành đất nước.

Một trong những lý do giúp tỷ phú Donald Trump hút được lá phiếu của cử tri là cam kết đưa nền kinh tế Mỹ quay lại quỹ đạo tăng trưởng, vốn đã bị chệch hướng từ nhiều năm qua, làm sức mạnh của siêu cường này bị đe dọa từ các thế lực đang lên. Xuất thân là một tỷ phú, kinh nghiệm và bản lĩnh trên thương trường của ông Trump mang lại nhiều hy vọng cho cử tri về một Tổng thống có thể lật ngược tình thế của nền kinh tế Mỹ hiện nay.

Chỉ có điều, điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn khác với dẫn dắt một doanh nghiệp và câu chuyện của kết quả thăm dò dư luận có thể là những chỉ dấu cảnh báo về một thời kỳ đầy khó khăn với kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Từ câu chuyện của thăm dò dư luận…

Kết quả thăm dò dư luận từ khi bắt đầu cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng cho đến khi nhiều bang mở cửa các điểm bỏ phiếu vẫn nghiêng về phía ứng viên đảng Dân chủ Hillary với khả năng đắc cử Tổng thống. Những người ủng hộ bà Hillary đổ lỗi cho các doanh nghiệp thực hiện thăm dò, khảo sát bởi sai số khủng khiếp của kết quả thăm dò dư luận là một phần nguyên nhân khiến chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng bị chệch hướng. Ngoài bà Hillary, các tập đoàn truyền thông và nhà đầu tư là những nạn nhân lớn nhất của kết quả khảo sát “thảm họa” này.

Rất ít các kênh truyền hình thực hiện chương trình trực tiếp về bầu cử nghĩ ông Trump thắng cử nên sự kiện không có trong kịch bản dự tính này làm nhiều nhà bình luận bối rối. Uy tín của nhiều bình luận viên, của các nhà đài đã bị ảnh hưởng ít nhiều khi dư luận cáo buộc là kênh vận động tranh cử cho bà Hillary.

Trên thị trường, sắc xanh tràn ngập các sàn chứng khoán Mỹ và toàn cầu khi niềm tin vào chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ được củng cố bằng kết quả thăm dò dư luận đều nghiêng về hướng có lợi cho bà Hillary. Đây cũng chính là lý do “bất ngờ” là từ khóa nhấn chìm các thị trường. Không nhà đầu tư nào chuẩn bị cho kịch bản ông Trump thắng cử nên đành phải bán tháo cổ phiếu, tìm sang các tài sản an toàn khác.

Theo ước tính, thị trường chứng khoán Anh đã mất 37 tỷ bảng, thị trường Mỹ mất tới hơn 1,45 nghìn tỷ USD. Diễn biến này một lần nữa đặt ra những nguy cơ với nền kinh tế Mỹ. Thông thường, các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành chủ yếu qua điện thoại và trực tuyến. Rất nhiều người được khảo sát qua điện thoại vì ngại mất thời gian nên thường có xu hướng từ chối trả lời.

Khảo sát trực tuyến cũng trong tình trạng tương tự nên sai số thường rất lớn. Vì vậy, chiến thắng của ông Trump khiến các nhà thăm dò một lần nữa phải suy nghĩ lại về tính thực tế và kết nối hiệu quả của các cuộc khảo sát với công chúng Mỹ.

Thăm dò dư luận là một trong những ngành “ăn nên làm ra” tại Mỹ, tuy nhiên, việc dự báo sai kết quả ủng hộ ứng viên Tổng thống vừa qua đã cho thấy sự nguy hiểm chết người của ngành này. Bởi, đa số các DN đều dựa vào những khảo sát dư luận để đưa ra những nhận định về xu hướng của thị trường, từ đó chọn thời gian, địa điểm để ra mắt sản phẩm mới, thậm chí còn là yếu tố quan trọng quyết định đến việc ban hành chính sách của một công ty. Nếu kết quả thăm dò dư luận vẫn sai sót như kỳ bầu cử vừa qua, chẳng ai dám tin kinh tế Mỹ lại không phải đối mặt với những nguy cơ bất ngờ.

Đến chuyện hiện thực hóa cam kết

Hậu bầu cử, người dân Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đang nín thở theo dõi những động thái nhằm hiện thực hóa cam kết tranh cử của ông Trump, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Ngay sau khi ông Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, các thị trường đã tăng điểm trở lại với sự dẫn đầu của cổ phiếu các công ty khai khoáng với kỳ vọng các hãng khai mỏ sẽ được hưởng lợi khi ông Trump thúc đẩy chi tiêu công, làm tăng nhu cầu với các kim loại cơ bản. Trên thực tế, trên sàn giao dịch Sydney, cổ phiếu của hai hãng khai mỏ hàng đầu thế giới BHP Billiton và Rio Tion có lúc tăng hơn 9% tại thị trường Sydney, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009.

Câu chuyện về nền kinh tế Mỹ trong suốt 8 năm qua đã xoay quanh những căng thẳng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài chính “không rõ ràng”. Trong khi, chính sách tiền tệ đến từ việc các nhà hoạch định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất xuống gần bằng không nhưng nỗ lực này vẫn không vực được nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các chuyên gia nhận định, gói kích thích chi tiêu và cắt giảm thuế của ông Trump sẽ làm gia tăng nợ công lên 5.000 tỷ USD hoặc thậm chí nhiều hơn thế. Họ cùng quan ngại rằng, những tuyên bố “bốc đồng” về tiền tệ, thuế… của ông Trump có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại.

Lo ngại này không phải không có cơ sở khi đồng Peso của Mexico đã mất 13% giá trị, mức thấp nhất trong vòng hơn 20 năm qua do các nhà đầu tư bất an về sự “đổi chiều” chính sách của Washington. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố muốn đàm phán lại hiệp định thương mại tự do với Mexico, Canada nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại và mang việc làm trong ngành sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, nếu đàm phán không thành công, rất có thể khiến các nước “nổi giận” và tìm cách trả đũa nước Mỹ.

Đến thời điểm này chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump đang nắm trong tay bí mật để hồi sinh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Nhưng các chuyên gia nhận định, những kinh nghiệm, bản lĩnh sau cả đời lăn lộn trên thương trường sẽ giúp tân Tổng thống có phương thức điều hành kinh tế linh hoạt và hiệu quả hơn những người tiền nhiệm.