Kinh tế Trung Quốc trước nguy cơ không đạt mục tiêu tăng trưởng

Theo vietnamplus.vn

(Tài chính) Tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc trong năm 2014 chỉ tăng 3,4% so với năm 2013, thấp hơn nhiều con số mục tiêu 7,5%.

Ảnh minh họa. Nguồn: interent
Ảnh minh họa. Nguồn: interent
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại của nước này trong năm 2014 đã tăng lên mức cao kỷ lục 382,46 tỷ USD, tăng tới 42,7% so với năm 2013, song nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục đứng trước nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra do nhu cầu nước ngoài yếu.
 
Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2014 tăng lần lượt 6,1% và 0,4% lên 2.340 tỷ USD và 1.960 tỷ USD. 

Chỉ trong tháng 12/2014, thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng 93,5% so với cùng kỳ năm 2013 lên 49,6 tỷ USD khi xuất khẩu tăng 9,7% lên 227,5 tỷ USD trong khi nhập khẩu giảm 2,4% xuống 177,9 tỷ USD. 

Thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc lâu nay là vấn đề gây bất đồng giữa nước này với Mỹ. 

Tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc trong năm 2014 chỉ tăng 3,4% so với năm 2013, thấp hơn nhiều con số mục tiêu 7,5% của các cơ quan chức năng và là năm thứ ba liên tiếp nước này không đạt được mục tiêu đề ra.

Theo người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Zheng Yuesheng, kinh tế thế giới đã hồi phục chậm hơn và không thể hỗ trợ đà tăng trưởng của hoạt động thương mại của Trung Quốc với tốc độ cao. 

Ông cho rằng mức thặng dư thương mại kỷ lục nói trên của Trung Quốc là nhờ giá hàng hóa quốc tế sụt giảm đã kéo giá trị nhập khẩu đi xuống. 

Lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc về chi phí thấp tiếp tục giảm sút trong khi dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo của nước này từ các nền kinh tế phát triển sụt giảm, ngược với đà tăng trưởng thương mại, càng cho thấy các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đảm nhận khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của nước này. 

Trung Quốc công bố số liệu thương mại kỷ lục nói trên khi nền kinh tế nước này đã kết thúc một năm 2014 đầy thất vọng, với tăng trưởng giảm tốc do sự yếu kém của lĩnh vực chế tạo, giá bất động sản sụt giảm và nợ doanh nghiệp cũng nợ chính quyền địa phương tăng cao. 

Điều này khiến Ngân hàng trung ương Trung Quốc hồi tháng 11/2014 đã giảm lãi suất chủ chốt lần đầu tiên trong hơn hai năm qua. 

Trong khi đó, Ngân hàng Bank of Communications của Trung Quốc mới đây đã dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 7,2% năm 2015, trước những tác động bất lợi của tình hình bất ổn trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, Bank of Communications vẫn tương đối lạc quan về triển vọng phát triển của Trung Quốc với lưu ý rằng nước này cần đẩy mạnh cải cách để nâng cao hiệu quả kinh tế và mang lại lợi ích cho tất cả thành phần trong xã hội. 

Dự đoán, trong năm 2015, kinh tế Mỹ hồi phục sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc tăng khoảng 7% trong khi đầu tư cố định của nước này dự kiến chỉ tăng 14% do tình trạng đầu tư dàn trải và các cơ quan chức năng siết chặt quản lý tình hình nợ và tài chính của các địa phương.