Kinh tế trung quốc vẫn tăng trưởng, nhưng nỗi sợ hãi ngày càng tăng

Theo enternews.vn/CNBC

Kinh tế Trung Quốc trong quý III ước tính tăng 6,7%, cho thấy các biện pháp kích thích tài chính của Chính phủ đang tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Thị trường bất động sản Trung Quốc được cho là hưởng nhiều lợi từ chính sách kích thích nhưng cũng làm gia tăng nhiều khoản nợ cho nền kinh tế.
Thị trường bất động sản Trung Quốc được cho là hưởng nhiều lợi từ chính sách kích thích nhưng cũng làm gia tăng nhiều khoản nợ cho nền kinh tế.

Nhưng mức tăng trưởng này cũng làm tăng thêm sự lo lắng xung quanh thói quen chi tiêu của Chính phủ, và đặt ra những câu hỏi rằng liệu các quan chức Chính phủ có thể tiếp tục phân phát nguồn vốn lớn như vậy vào nền kinh tế này trong bao lâu nữa để duy trì tốc độ tăng trưởng.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đã đã cảnh báo rằng vấn đề nợ của Trung Quốc ngày càng bất ổn và cần phải được giải quyết nhanh nhất có thể. Theo ước tính, các khoản nợ ở Trung Quốc hiện tại tương đương với 250% GDP của nước này.

“Các khoản nợ đang mở rộng ở Trung Quốc là một trong những rủi ro lớn nhất đối với dự báo tích cực của chúng tôi,” Sameer Samana, một chuyên gia về tiền tệ tại Wells Fargo Investment Institute, chia sẻ.

“Các con số mới nhất về khoản tài trợ lũy kế và cho vay mới bằng đồng nhân dân tệ là 24% và 22% cao hơn các con số ước tính, điều này cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn chọn cách thúc đẩy tăng trưởng dựa trên vay nợ hơn là cải cách, và như vậy sẽ không bền vững bởi vì nó tạo ra năng lực quá mức và tăng trưởng không hiệu quả,” ông Samana nói.

Vì lo sợ như vậy, những người đứng đầu các quỹ đầu cơ cũng đã lên tiếng bày tỏ sự lo lắng của họ liên quan tới vấn đề nợ của Trung Quốc. Kyle Bass, người đứng đầu quỹ Hayman Capital bày tỏ rằng ông không còn niềm tin vào câu chuyện tăng trưởng của Trung Quốc, cụ thể là khi nó đi liền với hệ thống ngân hàng của đất nước này.

“Họ phải tái cấp vốn lại hệ thống ngân hàng…những gì tôi sẽ nói là bạn sẽ phải nghiên cứu rất cẩn thận về việc họ đã hấp tấp và nhanh chóng xây dựng khối tài sản của họ như thế nào,” ông Bass chia sẻ.

Một số nhà đầu tư khác thì lại nhìn vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc và khối nợ xấu mà các ngân hàng này đang ngồi lên như là một cơ hội đầu tư đầy tiềm năng.

“Thật không may, tất cả đều quay lại vấn đề thời gian và khi điều này trở thành một vấn đề lớn hơn và nó sẽ được giải quyết như thế nào, nó không còn là vấn đề ngắn hạn nữa mà là dài hạn,” ông Samana nhận định.

“Tôi cho rằng có một vài hi vọng rằng một số nhà đầu tư nhìn vào báo cáo tăng trưởng vừa qua và họ hi vọng sẽ có cơ hội để thúc đẩy cải cách, nhưng chúng ta sẽ phải chờ đợi và xem liệu họ có đi theo xu hướng đó hay không,” ông nói tiếp.

Một lĩnh vực được hưởng lợi nhiều từ các nỗ lực kích thích của Chính phủ là bất động sản, đang đóng góp 15% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Số lượng nhà bán ra đã tăng một phần là do số lượng người nhập cư tăng từ các thành phố nhỏ sang các thành phố lớn, nơi người dân hi vọng sẽ được trả lương cao hơn và có nhiều cơ hội hứa hẹn hơn. Nhưng thời điểm tốt để có được điều đó có thể đã chấm hết.

“Chính phủ hiện tại đang tìm cách giảm tốc cho thị trường bất động sản,” ông Duncan Wrigley, chuyên gia nghiên cứu tại NSBO, cho biết.

“Doanh số bán nhà có thể sẽ giảm sau khi 20 thành phố cùng thắt chặt chính sách bán nhà, thông qua thắt chặt các khoản cho vay thế chấp và hạn chế số lượng bất động sản mà mỗi cá nhân được mua. Các nhà phát triển dự án sẽ tiếp tục xây dựng các bất động sản mà họ đã bán hết từ trước. Điều này sẽ kéo tăng trưởng năm 2017 xuống,” ông nói.