Kinh tế Venezuela "hậu Hugo Chavez"

Theo CafeF

Phó Tổng thống Nicolas Maduro đã cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch mà Venezuela đang theo đuổi bấy lâu nay.

Nếu bạn muốn có mức lợi suất trái phiếu 692% giống như những gì mà cố Tổng thống Hugo Chavez đã đem lại trong suốt 14 năm cầm quyền, Fidelity Investments và Schroder Investment Management Co. cho rằng bạn không có gì phải lo lắng về người sẽ tiếp quản vị trí của ông Chavez.

Phó Tổng thống Nicolas Maduro – người đang làm Tổng thống tạm thời và cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng – đã cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch mà Venezuela đang theo đuổi bấy lâu nay.

Các chính sách (trong đó bao gồm kiểm soát tiền tệ và quốc hữu hóa hơn 1.000 công ty) đã làm nản lòng các nhà đầu tư trái phiếu và khiến chi phí đi vay của Venezuela lên tới 12,39% trong suốt thời kỳ ông làm Tổng thống. Mức lợi suất này cao hơn 3,78 điểm phần trăm so với lợi suất trung bình của các thị trường mới nổi.

Trong khi Venezuela phải đối mặt với rủi ro đấu đá chính trị nội bộ dẫn đến bất ổn xã hội, Fidelity và Schroder cho rằng Maduro sẽ theo chân người tiền nhiệm và tiếp tục trả lãi cao cho người nắm giữ trái phiếu để đảm bảo có thể duy trì hoạt động xuất khẩu dầu mỏ vốn đóng góp tới 50% ngân sách. Ông Chavez chưa bao giờ trả chậm bất kỳ khoản nợ nào và còn đưa ra mức lợi suất cao gần gấp đôi mức trung bình của khu vực.

Theo Luis Martins, chuyên gia đến từ Fidelity và đã có tới 20 năm đầu tư ở Venezuela, Maduro sẽ đi theo mô hình trước đó và thậm chí mức lợi suất trái phiếu có thể tăng lên, trừ khi có chế độ đột ngột thay đổi.

Lợi suất trái phiếu Venezuela niêm yết bằng đồng USD (đang được hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor xếp ở mức thấp hơn mức đáng đầu tư 4 bậc) đã tăng tới 26% trong năm 2012, nâng mức tăng trưởng từ năm 1999 đến nay lên 692%. Trong khi đó, những nước được S&P xếp hạng đáng đầu tư (như Brazil) có mức lợi suất là 656% và các thị trường mới nổi có mức lợi suất trung bình là 370%.

Mặc dù lợi suất trung bình đã giảm từ 10,91% xuống còn 9,06%, mức này vẫn cao hơn 4,39 điểm phần trăm so với lợi suất trung bình của các trái phiếu niêm yết bằng đồng USD ở các thị trường mới nổi.

Nhờ vào lượng dầu mỏ dồi dào, chi tiêu của chính phủ Venezuela đã tăng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm một nửa nhờ chính sách trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thảm họa về kinh tế. Các biện pháp kiểm soát tiền tệ và cấm nhập khẩu tạo ra tỷ lệ lạm phát kỷ lục và tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu, từ trứng, sữa cho đến giấy vệ sinh.

Nền kinh tế hỗn loạn cũng chính là nguyên nhân khiến ông Chavez bị lật đổ hồi năm 2002. Đình công khiến ngành dầu mỏ - mặt hàng chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu – bị ngưng trệ. Cuộc đình công đã khiến nền kinh tế khốn đốn. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 20% trong khi nền kinh tế suy giảm 27% trong quý I/2003.

Theo Ricardo Hausmann, giáo sư đến từ đại học Havard và là bộ trưởng bộ Kế hoạch dưới thời cựu Tổng thống Carlos Andres Perez, ông Chavez đã để lại một nền kinh tế hỗn loạn trong khi Venezuela không hề đưa ra kế hoạch cụ thể để giải quyết khủng hoảng.