Lập trường của Trung Quốc về TPP

Theo gafin.vn

(Tài chính) Việc Trung Quốc phản ứng thế nào với hiệp định TPP sẽ tác động mạnh mẽ tới sân chơi thương mại ở khu vực Đông Nam Á.

Cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California, tháng 6/2013. Nguồn: internet
Cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California, tháng 6/2013. Nguồn: internet
Trong khi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn nhiều khó khăn để đi tới hoàn tất như vấn đề trợ giá cho nông dân trồng lúa ở Nhật Bản, chăm sóc y tế ở Canada và Australia, bảo vệ bản quyền ở và kiểm soát vốn ở Chile… thì các nhà quan sát cũng theo dõi chặt chẽ phản ứng của Trung Quốc với hiệp định này.

Câu hỏi lớn nhất vẫn treo lơ lửng về TPP là liệu Trung Quốc có tham gia đàm phán hiệp định này hay không. Cách đây một năm, triển vọng Trung Quốc gia nhập đàm phán TPP là điều không ai nghĩ tới. Nhưng hiện tại khả năng này đang nhận được sự quan tâm sâu sắc vì tuyên bố bất ngờ từ Bộ Thương mại Trung Quốc vào tháng 5/2013 rằng Trung Quốc lưu ý tới việc tham gia TPP “dựa trên sự bình đẳng và lợi ích chung”, đây là một sự thay đổi đáng chú ý so với lập trường phản đối trước đó.

Việc Trung Quốc xem xét lại khả năng tham gia TPP bắt nguồn từ việc Nhật Bản tham gia đàm phán hiệp định này; một cuộc thảo luận sau đó đã diễn ra tại Trung Quốc về phản ứng của Bắc Kinh trước động thái của Nhật Bản.

Cách đây không lâu, quan điểm tại Trung Quốc về TPP tập trung nhiều vào Mỹ. Ví dụ, đầu năm 2013 một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo miêu tả TPP dưới vai trò lãnh đạo của Mỹ đang “trì trệ” và chuẩn bị “bế tắc dài hạn”. Nhưng việc Nhật Bản tham gia đàm phán TPP từ tháng 4/2013 đã xóa mờ suy nghĩ về sự bế tắc ở TPP và là điểm mấu chốt làm thay đổi quan điểm của Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, có ba luồng phản ứng về việc Nhật Bản gia nhập đàm phán TPP được thể hiện rõ rệt. Phản ứng thứ nhất cáo buộc TPP là chính sách “ngăn chặn” của Mỹ nhắm vào Trung Quốc và hiện tại có thêm sự cộng sức của Nhật Bản. Phản ứng thứ hai tái nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN và nâng APEC như một thiết chế hàng đầu khu vực trong giải quyết thương mại. Phản ứng thứ ba tái đánh giá vệc Trung Quốc có nên tham gia đàm phán TPP hay không. Những phản ứng này không mâu thuẫn với nhau và được thể hiện cụ thể trong các hoạt động của lãnh đạo Trung Quốc.

Đối với phản ứng thứ nhất, Trung Quốc coi việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gia nhập đàm phán TPP và thăm các nước ASEAN chính là nỗ lực của Nhật Bản cùng Mỹ kìm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các nhà bình luận ở Trung Quốc còn cho rằng việc Nhật Bản trì hoãn trong đàm phán hiệp định tự do thương mại Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản, ưu tiên tham gia TPP là để phản đối vị thế kinh tế tăng lên của Trung Quốc ở khu vực. Nhật Bản và Mỹ được coi như những người ủng hộ việc “giữ nguyên hiện trạng” ở khu vực và tìm cách ngăn chặn lợi ích kinh tế Trung Quốc.

Phản ứng thứ hai hướng tới thúc đẩy và củng cố thêm vai trò của ASEAN và APEC như những thiết chế hàng đầu ở khu vực để giảm bớt tầm ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản. Trong một động thái bất thường, cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thăm Đông Nam Á trong năm 2013, phản ánh Đông Nam Á có vai trò quan trọng trong cách tiếp cận hiện tại của Bắc Kinh với vấn đề quốc tế. Điều này diễn ra đồng thời với việc “nâng cấp” hiệp định tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN, là một sự khuyến khích cho “thập kỷ kim cương” mới (thập kỷ tăng trưởng như vũ bão thương mại song phương Trung Quốc – ASEAN). Việc mở rộng chính sách ngoại giao chủ động theo phương châm của học thuyết Khổng tử “hòa nhập nhưng không hòa tan” chính là nguyên lý định hướng cho quan hệ Trung Quốc – ASEAN; điều này đối lập với cách tiếp cận của Mỹ trong quan hệ thương mại vì Mỹ đòi hỏi sự đồng nhất về các quy tắc.

Trong phát biểu tại hội nghị lãnh đạo kinh tế các nước APEC lần thứ 21 ở Bali vào tháng 10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi thiết lập các thỏa thuận thương mại mang tính “mở và bao trùm”, trong đó APEC đóng “vai trò đi đầu”. Trong khi Mỹ mô tả TPP là “không có sự loại trừ”, vì mọi lĩnh vực đều được đưa vào đàm phán TPP thì Trung Quốc đặt ra “sự loại trừ” dựa tên một thực tế rằng không phải tất cả các nước ở khu vực đều tham gia TPP.

Việc coi trọng hơn vai trò của APEC phản ánh sự thay đổi trong suy nghĩ của Trung Quốc, nước trước đây ưu tiên vai trò của ASEAN+3. Việc Nhật Bản “đào tẩu” sang TPP khiến Bắc Kinh tái đánh giá vai trò của APEC để trung lập hóa ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản.

Trong khi Trung Quốc chê trách Mỹ và Nhật Bản thực hiện chính sách “ngăn chặn”, đẩy mạnh quan hệ thân thiết hơn với ASEAN và nâng tầm APEC thì Bắc Kinh cũng lưu ý về việc gia nhập TPP. Tất nhiên, ở Trung Quốc vẫn có những quan điểm mong muốn nước này gia nhập đàm phán TPP. Những người “ủng hộ cải cách” thấy đây như một cách thúc đẩy Trung Quốc tiến xa hơn trên con đường cải cách kinh tế và mở cửa lĩnh vực nội địa để nâng cao cạnh tranh. Ví dụ, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo đã nhận định rằng “với vai trò là thành viên APEC, Trung Quốc không nên nhìn TPP chỉ như giấc mơ chiến lược của Mỹ mà nó còn là giấc mơ chiến lược của Trung Quốc”. Đàm phán TPP được coi như một phương tiện thúc đẩy cải cách nội địa nhanh hơn cũng giống như việc những nhà cải cách Trung Quốc trước đây từng tận dụng đàm phán gia nhập WTO năm 2001 là giải pháp thúc đẩy tự do hóa nội địa để đạt các tiêu chuẩn tham gia WTO.

Sân chơi thương mại ở khu vực đang thay đổi nhanh chóng. Việc Trung Quốc tham gia cuộc chơi như thế nào sẽ tác động tới cục diện thương mại khu vực và thể hiện sức mạnh của nền thương mại nội địa Trung Quốc.