Lót tay để thắng thầu

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Đầu tháng 4/2013, hàng loạt hãng tin lớn trên thế giới như Bloomberg (Mỹ), Ebmag (Canada), Reuters (Anh)... đồng loạt đưa tin về kết quả điều tra sơ bộ các vụ scandal hối lộ của Tập đoàn năng lượng điện đa quốc gia Pháp (Alstom SA).

Tổng hành dinh của Alstom AS tại Levallois-Perret, Paris. Nguồn: internet
Tổng hành dinh của Alstom AS tại Levallois-Perret, Paris. Nguồn: internet

Theo kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) và Văn phòng chống gian lận thương mại London, Anh (SFO), phần lớn những tố cáo đều có cơ sở.

Một trong những vụ lót tay "khủng" của Alstom SA được Bộ Tư pháp Mỹ phanh phui gần đây có liên quan đến hợp đồng trị giá 118 triệu USD, cung cấp dịch vụ nồi hơi tại nhà máy điện trên đảo Sumatra (Indonesia). Theo đó, hai giám đốc điều hành Alstom AS chi nhánh Connecticut, Mỹ đã “nhúng chàm”.

Cũng trong quá trình điều tra. DoJ còn tìm thấy bằng chứng hối lộ của 10 dự án năng lượng và đường sắt tại Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, tính đến tháng 3/2013, Alstom AS đã chi tới 54 triệu USD cho việc lót tay, thực hiện các hành vi hối lộ và những việc làm khuất tất. Ngoài ra, theo Michael Volkov, cựu công tố viên liên bang Mỹ, chỉ riêng năm 2008, Alstom AS đã bị đối thủ Siemens AG của Đức kiện và phải nộp phạt tới 800 triệu USD cho các dự án tại Mỹ.

Liên quan đến dự án cung cấp nồi hơi tại đảo Sumatra, do chi nhánh Alstom AS tại Mỹ thực hiện, Giám đốc điều hành Alstom đã cùng với Công ty Marubeni Corp. của Nhật Bản sử dụng trung gian hối lộ hàng trăm nghìn USD cho nghị sĩ Đảng Partai Demokrasi Indonesia Perjuangan tên là Izederik Emir Moeis và các quan chức tại Tập đoàn Perusahaan Listrik Negara PT (PLN), công ty điện lực của nhà nước Indonesia để thắng thầu.

Năm 2013, Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia (KPK) cho biết, Izederik Emir Moeis đã chi tới 300.000 USD cho một bữa ăn tối tại nhà hàng Lido (Paris) sang trọng, là số tiền lại quả từ Alstom AS.

Chính Izederik Emir Moeis thú nhận trước báo giới: “Tôi đến Paris, được mời tham dự một bữa ăn tối tại Lido, nhà hàng nổi tiếng nhất trên đại lộ Champs Elysees, dùng rượu, thuốc xì gà với họ (các quan chức Alstom), nhưng tôi không nhớ hết danh tính của những người này”.

Những vụ hối lộ gây bức xúc dư luận khác của Alstom SA là vụ “đi đêm” với các quan chức chính phủ tại Brazil. Theo điều tra, trong khoảng thời gian từ 1995 - 2003, Alstom SA đã hối lộ các quan chức chính quyền từ địa phương đến trung ương để giành hợp đồng cung cấp trang thiết bị cho hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố Sao Paulo thuộc bang Sao Paulo, Đông Nam Brazil. Có ít nhất 10 người liên quan đến vụ bê bối này, trong đó có 2 cựu Thống đốc bang Sao Paulo, 2 lãnh đạo của Công ty năng lượng EPTE và nhiều lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Alstom AS.

Theo các cơ quan điều tra của châu Âu, từ giữa năm 1998 – 2003, Alstom AS đã sử dụng một nhân vật có tên Claudio Mendes để làm môi giới, tiếp xúc với các quan chức cấp cao. Cũng nhờ nhân vật “buôn vua” này, Alstom chi hàng trăm triệu USD để giành các hợp đồng béo bở tại Nam Mỹ và châu Á thông qua mạng lưới “sân sau” của giới quan chức.

Nhờ những đồng tiền đi đêm, Alstom - một nhà sản xuất lớn tua-bin điện, xe lửa tốc độ cao và xe điện ngầm - thắng thầu ở mọi nơi, trong số này có Brazil. Đồng thời, tập đoàn này cũng sử dụng các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ để rửa tiền.

Tại Malaysia, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) cũng công bố hồ sơ cho biết, cựu Bộ trưởng của bang Perlis, Abdul Hamid Pawateh đã được lót tay tới trên 8 triệu USD từ Alstom AS, do có công giúp tập đoàn này thắng thầu dự án nhà máy điện Perlis những năm 90 thế kỷ trước.

Ngoài ra, còn những phi vụ khác như Alstom AS đã lót tay Abderrahum Zouari, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Tuynidi; hay vụ lót tay 40 triệu USD cho Chính phủ Thụy Sĩ năm 2011 liên quan đến Latvia, Malaysia và Tunisia để rửa trót lọt những khoản tiền “bẩn”, đúng hơn là nhờ hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ “chuyển hộ” cho những vị quan chức thoái hóa biến chất từng “đi đêm” với Alstom AS...