M&A năm 2012: Mỹ đi thâu tóm nhiều nhất

Theo Nhịp cầu Đầu tư

“Tốt nhưng có thể còn sôi nổi hơn”, đó là nhận xét của hãng tư vấn luật quốc tế Freshfields Bruckhaus Deringer về các hoạt động M&A với mục tiêu là các quốc gia mới nổi năm 2012.

 M&A năm 2012: Mỹ đi thâu tóm nhiều nhất
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, tổng giá trị M&A toàn cầu với mục tiêu hướng vào các quốc gia mới nổi năm ngoái đã tăng 5% khi đạt 162,4 tỷ USD, trái ngược với kết quả ảm đạm của 2011 khi sụt giảm 25%.

Trung Quốc duy trì là mục tiêu hàng đầu trong các giao dịch này khi chiếm 35 tỷ USD, kế đến là Mexico (25,6 tỷ USD), Nga ( 18,6 tỷ USD), Brazil ( 18,2 tỷ USD) và Indonesia (13,7 tỷ USD).

“Sau một khoảng thời gian các nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước và trì hõa việc đầu tư vào các thị trường tăng trưởng cao hơn, chúng ta đang thấy sự trở lại dần dần trong tham vọng của các công ty hướng đến các khoản đầu tư lớn hơn tại các nền kinh tế mới nổi này”, Edward Braham, người đứng đầu bộ phận doanh nghiệp toàn cầu của Freshfields nhận xét.

Mỹ là quốc gia đi thâu tóm lớn nhất khi hoàn thành 352 vụ tại các thị trường mới nổi với trị giá 22 tỷ USD vào năm ngoái, lớn nhất kể từ 2007. Bỉ đứng vị trí thứ hai, chủ yếu nhờ vào thương vụ trị giá 20,1 tỷ USD khi Anheuser – Bush InBev thâu tóm công ty bia Grupo Modelo của Mexico. Hồng Kông và Singapore đứng ở vị trí thứ ba và thứ tư. Anh đứng vị trí thứ năm với giá trị thực hiện 10,7 tỷ USD.

Vậy 2013 liệu sẽ có nhiều hơn các thương vụ M&A?

Tiền là yếu tố phải kể đến. Theo Citigroup, các công ty có mức vốn hóa lớn trên khắp thế giới đang ngồi trên đống tiền trị giá lên đến 4,2 nghìn tỷ USD. Một nửa trong số đó là ở nước Mỹ -theo thống kê của cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ.

Tuy vây, việc đi thâu tóm sẽ phức tạp hơn rất nhiều trên thực tế.

Trong một khoảng thời gian dài, rõ ràng M&A là định hướng để các công ty phương tây vốn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tiến vào các thị trường mới nổi, nhưng kể từ khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, các công ty này đã có cái nhìn khắt khe hơn vào yếu tố hiệu quả của việc đi mua này.

Thay vào đó, hai năm vừa qua đã chứng kiến sự hồi sinh của việc tham gia liên doanh hay lập ra các liên minh chiến lược từ các công ty này.

Tiêu biểu là Paul Smith. Công ty Anh Quốc này đã thông báo kế hoạch tái xâm nhập Trung Quốc thông qua liên minh với ImagineX của Hồng Kông- 5 năm sau khi nó phải rút lui khỏi thị trường này vì thua lỗ. Ngoài ra, General Electric của Mỹ cũng liên kết với XD Electric- đang niêm yết tại sàn chứng khoán Thượng Hải- để bán các thiết bị năng lượng tại Trung Quốc. Nestlé, tập đoàn thực phẩm của Thụy Sĩ, đã thông báo kế hoạch đầu tư vào Ma rốc để tăng sản lượng sản xuất sữa trong khu vực.

Đó còn là khác biệt văn hóa và mối lo ngại phải trả giá quá cao- một trong những rủi ro lớn nhất cho các công ty khi thực hiện các M&A tại các thị trường mới nổi vì vấn đề gian lận, ví dụ gần đây Caterpillar công bố những sai sót của nó trong thương vụ mua lại trị giá hơn 800 triệu USD vào ERM Mining- một công ty chế tạo thiết bị khai khác khoáng sản của Trung Quốc.