Mười lý do Mỹ trở thành con nợ lớn nhất

Theo gafin.vn

(Tài chính) Với khoản nợ quốc gia sắp vượt trần cho phép, mỗi người dân Mỹ đang phải gánh chịu khoản nợ hơn 52.000 USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nợ công của Mỹ ngày càng phình to và chính phủ này đã nhiều lần phải nâng trần nợ. Với nợ công dự kiến chạm trần vào ngày 17/10 tới, Quốc hội Mỹ có thể đối mặt với một cuộc chiến nâng trần nợ mới.

Dưới đây là 10 lý do có thể coi là tiêu biểu nhất khiến Mỹ trở thành con nợ lớn nhất thế giới.

1. Lý do lịch sử

Trước tiên, phải kể đến chu kỳ kinh tế/kinh doanh. Chu kỳ kinh doanh là một phần đời sống kinh tế của mỗi quốc gia. Mỗi lần suy thoái là một lần làm cho nền kinh tế suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và hậu quả các khoản thu từ thuế giảm mạnh, buộc chính phủ phải đi vay nợ bên ngoài. Suy thoái kinh tế năm 2001 và hiện nay được xem là những "mầm bệnh" làm cho sức khỏe nền kinh tế Mỹ suy yếu.

Trong khi, cả Tổng thống Bush lẫn Obama đều không có những chính sách phù hợp để giảm nợ. Ví dụ, dưới thời Tổng thống Bush, nợ của Mỹ tăng vọt từ 5,6 nghìn tỷ USD lên 10,7 nghìn tỷ USD (cuối tháng 12/2008) và chưa chịu dừng lại khi Tổng thống Obama kế nhiệm…

2. Chính sách kinh tế không phù hợp


Giới phê bình cho rằng, chính sách kinh tế của Tổng thống Bush đưa ra trước đây chưa phù hợp nhưng vẫn được Tổng thống Obama triển khai tiếp. Thay vì hạn chế thiệt hại do những chính sách bất hợp lý gây ra, thì những chính sách này lại tiếp tục phát huy "yếu điểm" làm suy yếu nền kinh tế, khiến khoản nợ quốc gia ngày càng lớn dần.

3. Tăng chi tiêu của chính phủ


Tổng thống Obama tin rằng, tăng chi tiêu của chính phủ sẽ giúp Mỹ thoát ra khỏi suy thoái kinh tế. Nhưng, trái lại đây là một sai lầm nguy hiểm. Tăng chi tiêu buộc phải đi vay nhiều, phải trả lãi lớn và cuối cùng làm cho các khoản nợ tăng vọt.

4. Giải cứu Wall Street

v
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Với tham vọng giúp Mỹ thoát khỏi suy thoái, chính phủ của Tổng thống Obama đã ra tay bảo lãnh, giải cứu "con voi ma mút tài chính khổng lồ" đang chìm sâu trong băng tuyết như Tập đoàn Citi hay những ngân hàng có khoản nợ xấu lút đầu. Về ngắn hạn, kế hoạch giải cứu của chính phủ có thể ngăn chặn được thảm họa cho các công ty này và giúp Wall Street vượt qua cơn bĩ cực.

Nhưng, xét về lâu dài điều này không mang lại lợi ích cho người dân Mỹ. Cho dù phải chi ra một khoản tiền khổng lồ cho việc giải cứu nhưng lợi ích đích thực lại chẳng đáng là bao, trong khi đó khoản nợ và nạn thất nghiệp vẫn không hề giảm.

5. Chi phí chiến tranh quá lớn

Cuộc chiến tại Iraq và một số quốc gia ở nước ngoài đã ngốn của Mỹ rất nhiều tiền cũng như tính mạng con người. Giới phê bình đã lên tiếng phản đối, cho rằng những cuộc chiến tranh này là không cần thiết, không làm thay đổi tình thế, thậm chí cũng không cần thiết cho người dân Mỹ nhưng hệ lụy lại rất lớn, làm tăng gánh nặng nợ nần.

6. Chính sách lương hưu chưa phù hợp

Số lượng người về hưu ở Mỹ đang tăng nhanh. Trong khi, các quỹ lương hưu như Medicare, Medicaid và An sinh xã hội… lại không theo kịp. Điều này, dẫn đến áp lực lớn về tài chính đối với chính phủ. Sự mất cân bằng về cơ cấu dân số, tỷ lệ lão hóa tăng nhanh cũng là gánh nặng cho các quỹ lương hưu.

Tổng thống Obama thừa nhận chính phủ của ông đang gặp những khó khăn trong việc chi trả lương hưu và trợ cấp. Để khắc phục tình trạng này Mỹ đang áp dụng chính sách mới, cải cách tiền lương hưu nhưng nhanh nhất cũng phải 5 năm nữa chính sách này mới phát huy được tác dụng trong thực tế.

7. Chính sách cải cách thuế

Chính sách cắt giảm thuế đối với nhóm có thu nhập thấp và tăng thuế đối với các gia đình có thu nhập cao đang phát sinh những hiệu ứng trái ngược. Hậu quả, giảm năng suất lao động chung, đặc biệt là những người lao động có tay nghề cao, có nhiều kinh nghiệm đã bỏ việc.

8. Bất cập trong chính sách cho vay thế chấp

ư
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chương trình vay thế chấp mua nhà của Mỹ đã để lại những hiệu ứng rất tiêu cực. Đặc biệt, ảnh hưởng đến lĩnh vực xây dựng và tiết kiệm của người dân. Niềm tin thấp, thị trường bất động sản chưa phục hồi nên nhiều người Mỹ còn đang lưỡng lự tìm kiếm kênh đầu tư, kể cả gửi tiền tiết kiệm. Hệ lụy, các công ty và chính phủ không huy động được vốn cho sản xuất, sản xuất trì trệ, gánh nặng nợ nần vẫn không bớt.

9. Thâm hụt thương mại

Lỗ hổng xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ ngày càng lớn dần, tác động xấu đến nền kinh tế chung, kể cả giá trị của đồng đôla. Quốc gia này ngày càng phải lệ thuộc vào hàng nhập khẩu và phát sinh những tiêu cực đến chính sách kinh tế của cả nước. Điều này càng khiến Mỹ phải đi vay thêm từ nước ngoài.

10. Cấu trúc để giảm nợ không nhất quán

Mặc dù, người dân Mỹ rất lo các khoản nợ nước ngoài nhưng chính phủ vẫn tự tin. Trong khi, chưa có kế hoạch giảm nợ khả thi thì các khoản nợ mới vẫn không dừng lại. Theo giới phân tích, trừ khi có những biện pháp cụ thể và được thực hiện ngay tức thì, còn không, các khoản nợ hiện tại sẽ lũy kế, gia tăng và đến một chừng mực nào đó sẽ vượt quá tầm kiểm soát của chính phủ nước này.