Mỹ đi tìm cứu cánh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Lựa chọn châu Á - Thái Bình Dương là điểm đến thân thiện trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ashton Carter tới Nhật Bản và Hàn Quốc với một sứ mệnh rõ ràng. Đó là tái khẳng định chính sách xoay trục của Mỹ tại khu vực này như một cứu cánh trước những thách thức đối ngoại tại các điểm nóng Trung Đông và châu Phi.

Bộ trưởng Carter cho biết chính sách của Mỹ xây dựng sự ổn định và phồn vinh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: internet
Bộ trưởng Carter cho biết chính sách của Mỹ xây dựng sự ổn định và phồn vinh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: internet
Chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm là thảo luận về quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Kết thúc chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Carter sẽ tới Hawaii gặp gỡ Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ. Theo kế hoạch, trong tháng 5 tới, ông Carter sẽ trở lại khu vực châu Á để tham dự Đối thoại thường niên Shangri-La tại Singapore. Hai chuyến thăm châu Á trong hai tháng tới của ông Carter là minh chứng tái khẳng định các mối quan hệ quốc phòng của Mỹ với các đồng minh, cũng như cam kết xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Barack Obama.

Trước khi tới Nhật Bản, Bộ trưởng Carter cho biết chính sách của Mỹ xây dựng sự ổn định và phồn vinh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sở dĩ từng mang lại kết quả do đây là một ưu tiên của cả chính quyền Cộng hòa và Dân chủ. Ông Carter cho rằng thời gian đang cạn dần và nếu không có một Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì ảnh hưởng của Mỹ cũng như sự ổn định của châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị thách thức. Tại hai nước đồng minh truyền thống của Mỹ này, Bộ trưởng Carter khẳng định mở rộng và tăng cường hợp tác quốc phòng song phương và đa phương không chỉ mang lại ổn định cho châu Á - Thái Bình Dương, mà cả các khu vực khác của thế giới. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước nhất trí rằng các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng song phương mới nhằm mục đích mở ra cơ hội để lực lượng vũ trang của hai nước có thể hướng tới hợp tác không giới hạn. Với Nhật Bản, ông Carter cho biết các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng giữa hai nước đồng minh có thể giúp củng cố quan hệ an ninh song phương và mở rộng khối liên minh Nhật - Mỹ.

Tháng 12 năm ngoái, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận quân sự nhằm chia sẻ tin tức tình báo và các thông tin liên quan đến hoạt động quân sự của Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Carter cho rằng thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của cả 3 nước. Ông cũng bày tỏ mong muốn Hàn Quốc và Nhật Bản sớm hàn gắn và hòa giải mối quan hệ láng giềng vốn xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây do bất đồng quan điểm về các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.

Thực tế quan hệ giữa Mỹ với hai nước đang có những trục trặc khiến Washington cảm thấy bất an. Trước tiên là với Tokyo. Mâu thuẫn lớn nhất giữa Mỹ và Nhật Bản hiện nay chính là các lệnh trừng phạt chống Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Blogger nổi tiếng Nhật Bản Japan and World Trends Akio Kawato, cựu Công sứ Nhật Bản ở Nga và Đại sứ Nhật Bản ở Tajikistan, cho rằng Nhật Bản thông qua các biện pháp trừng phạt chống Nga vì Mỹ đòi hỏi họ phải làm điều đó. Ưu thế của Washington ở đây chính là nước này cung cấp ô an ninh cho Tokyo cũng như Seoul trước sự khó lường của nước láng giềng Triều Tiên. Thêm vào đó là những mối đe dọa tiềm tàng từ phía Trung Quốc.

Tình hình với Hàn Quốc cũng tương tự. Quan hệ của Hàn Quốc với Bình Nhưỡng trở nên xấu đi, bản thân nước này cũng bị đe dọa từ phía Triều Tiên nên phải dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, hiện Hàn Quốc mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề phòng thủ tên lửa bay cao giai đoạn cuối (THAAD).

Khả năng Mỹ triển khai hệ thống phòng không hiện đại tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên đang khiến Seoul đau đầu, trong bối cảnh Hàn Quốc luôn nỗ lực cân bằng mối quan hệ giữa đồng minh an ninh thân cận nhất của nước này là Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc.

Đó là chưa kể tới việc hai nước này trước đó đã phải căng mình trước lựa chọn đứng ngoài Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập - một thể chế tài chính nhằm trực diện vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vốn lâu nay nằm trong vòng cương tỏa của Mỹ. Vì thế, đặt trong tương quan mối quan hệ đối tác - đối thủ với Trung Quốc, Mỹ buộc phải củng cố quan hệ với hai nước này - bằng cả mồi câu là lợi ích quốc gia cũng như gây sức ép để gia tăng sự phụ thuộc của Tokyo và Seoul vào Washington.

Đánh giá về những chuyển động trên, Laurent Sinclair, chuyên gia phân tích các vấn đề ở Thái Bình Dương và quốc phòng châu Á nhận định, dường như Mỹ đang đẩy mạnh kế hoạch được nhắc tới lâu nay là “trở lại” châu Á - Thái Bình Dương như Washington vẫn luôn khẳng định, Mỹ rất coi trọng tầm quan trọng của khu vực này. Điều này là dễ hiểu khi đặt trong tương quan so sánh những diễn biến khó lường tại Trung Đông với cuộc chiến chống IS và tình hình rối ren tại các nước châu Phi như Yemen cùng với thế căng như dây đàn tại Ukraine. Giới chuyên gia nhận định, nguồn lực của Washington bị dàn trải và trở lại châu Á - Thái Bình Dương tương đối yên bình là điểm tựa quan trọng, là một cứu cánh cho chính sách đối ngoại của Nhà Trắng sau thỏa thuận khung hạt nhân vừa đạt được với Iran, song vấp phải sự chỉ trích của các ông nghị Cộng hòa. Chính quyền Obama tìm tới các đồng minh truyền thống ở châu Á là bước đi sáng suốt.