Mỹ đưa Triều Tiên trở lại danh sách bảo trợ khủng bố: Bước lùi 10 năm

Theo Quỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức thông báo quyết định đưa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố, mở đường cho các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, động thái mới nhất này bị đánh giá là có thể sẽ phản tác dụng.

Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định đưa Triều Tiên trở lại danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố hôm 20/11. Nguồn: Internet
Tổng thống Donald Trump thông báo quyết định đưa Triều Tiên trở lại danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố hôm 20/11. Nguồn: Internet

Chiến dịch gây sức ép tối đa

Phát biểu trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh việc này lẽ ra phải được thực hiện từ lâu. Ông Trump cho biết thêm: Đi cùng với việc định danh này sẽ là các đòn trừng phạt mạnh mẽ hơn. Tổng thống Mỹ gọi đó là bước đi dài hơi và là một phần trong “chiến dịch sức ép tối đa” của Mỹ để đối phó với Triều Tiên. Bộ Tài chính Mỹ có thể công bố các lệnh trừng phạt mới vào ngày 21/11 (giờ Mỹ).

Quyết định này đánh dấu lần đầu tiên sau 10 năm, Bình Nhưỡng quay trở lại danh sách các quốc gia mà Mỹ coi là tài trợ khủng bố. Triều Tiên từng bị Mỹ liệt vào danh sách “đen” năm 1987, sau vụ nổ máy bay Hàn Quốc làm 115 người thiệt mạng.

Năm 2008, chính quyền Tổng thống George W.Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách này để tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán hạt nhân. Vì vậy, việc đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách này có thể coi là “bước lùi” trong các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Giống như mọi khi, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phải xoa dịu tình hình khi khẳng định Washington vẫn hy vọng có giải pháp ngoại giao với Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo của Nhà Trắng, ông Tillerson nhấn mạnh: “Chúng tôi đã có nhiều hành động tương tự thông qua các biện pháp trừng phạt hiện nay.

Hiệu quả thực tế của hành động này là có thể làm gián đoạn và ngăn cản bên thứ 3 tiến hành những hoạt động nhất định với Triều Tiên. Điều quan trọng là biện pháp này sẽ tiếp tục cho thấy cách hành xử trái luật pháp quốc tế của Triều Tiên, và chúng tôi cảm thấy cần thiết phải đưa Triều Tiên trở lại danh sách vì lý do đó”.

Tuyên bố đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố được Tổng thống Donald Trump đưa ra chỉ vài ngày sau khi kết thúc chuyến công du 5 nước châu Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, với nội dung trọng tâm là ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Không rõ điều này có được thảo luận trong chuyến thăm hay không, nhưng phản ứng về động thái trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, Nhật ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, quyết định của Mỹ sẽ giúp gia tăng sức ép lên Triều Tiên, đồng thời không quên nhấn mạnh, thông báo của Mỹ sẽ không làm thay đổi lập trường chung trong nỗ lực đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Trừng phạt tượng trưng

Việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách đen sẽ mở đường cho Mỹ áp đặt thêm biện pháp trừng phạt Triều Tiên, cụ thể là cấm Triều Tiên xuất khẩu vũ khí và nhận viện trợ kinh tế. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, Triều Tiên có hay không có trong danh sách “đen” của Mỹ thì cũng chỉ mang tính tượng trưng, do Triều Tiên vốn đã hứng chịu những lệnh trừng phạt nghiêm khắc và đến nay chưa lệnh trừng phạt nào tỏ ra hiệu quả.

Trong khi đó, quyết định trên đang gây tranh cãi trong chính nội bộ nước Mỹ. Một số nhà ngoại giao Mỹ cho rằng, chưa đủ cơ sở pháp lý để đưa Bình Nhưỡng vào danh sách bảo trợ khủng bố. Một quan chức tình báo Mỹ theo dõi diễn biến tại Triều Tiên bày tỏ lo ngại động thái của Tổng thống Donald Trump có thể phản tác dụng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ phản ứng bằng nhiều cách, thậm chí tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân trong “bầu không khí vô cùng căng thẳng”.

Quyết định này của Mỹ cũng không giúp ích gì cho việc mở cánh cửa để Mỹ đối thoại với Triều Tiên, điều mà Trung Quốc và các nước khác đang thúc đẩy. Còn nhà đàm phán của Mỹ trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên năm 1994 Robert Gallucci thì cho rằng, Mỹ có thể đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Việc làm này chỉ chứng tỏ Mỹ đang “hết cách” đối với Triều Tiên.

Mặc dù Bình Nhưỡng chưa chính thức đáp trả động thái của Washington, nhưng chỉ vài giờ sau đó, hãng thông tấn nhà nước CHDCND Triều Tiên (KCNA) đã đăng phát biểu của Chủ tịch Kim Jong - un khi tới thị sát Khu Liên hiệp ô tô Sungri: “Những nỗ lực cấm vận Triều Tiên sẽ chỉ khiến tinh thần bất diệt của người dân trở nên mạnh mẽ hơn, giúp họ có động lực tạo ra những kỳ tích làm thế giới phải bất ngờ”.

Nhiều chuyên gia dự đoán, Triều Tiên sẽ không “án binh bất động”. Có khả năng nước này sẽ đáp trả bằng các tuyên bố tương tự hoặc thực hiện những vụ thử hạt nhân tiếp theo.