Mỹ: Thượng – Hạ viện bất đồng, chính phủ sẽ đóng cửa

Theo infonet.vn

(Tài chính) Quốc hội Mỹ không thể ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ lần đầu tiên sau 17 năm khi Nhà Trắng, đảng Cộng hòa ở Hạ viên và đảng Dân chủ Thượng viện hôm thứ Hai (30/1) vẫn không chịu cùng nhau thống nhất về một dự luật cắt giảm chi tiêu tạm thời.

Tổng thống Barack Obama phát biểu chống lại nghị quyết của Hạ viện Mỹ khi phe Cộng hòa trong Hạ viện muốn cho dừng lại luật chăm sóc sức khỏe Obamacare và cắt giảm thuế thiết bị y tế ở mức 2,3% ngày 30/9/2013. Nguồn: internet
Tổng thống Barack Obama phát biểu chống lại nghị quyết của Hạ viện Mỹ khi phe Cộng hòa trong Hạ viện muốn cho dừng lại luật chăm sóc sức khỏe Obamacare và cắt giảm thuế thiết bị y tế ở mức 2,3% ngày 30/9/2013. Nguồn: internet

Trung tâm của sự bất đồng về chính sách chăm sóc y tế do Tổng thống Barack Obama thông qua năm 2010. Đảng Cộng hòa Mỹ đã cố gắng để loại bỏ chương trình này hoặc trì hoãn nó trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, đảng Dân chủ ở Thượng viện và Tổng thống Obama cương quyết ngăn chặn bất cứ điều gì ảnh hưởng đến điều luật này.

Trừ phi có một sự nhượng bộ bất ngờ từ phía đảng Cộng hòa, nếu không, chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu đóng cửa từ thứ Ba (1/10).

Tối hôm thứ Hai, Hạ viện đã thông qua một nghị quyết với nỗ lực trì hoãn Luật chăm sóc y tế ( thường được nước Mỹ gọi là Obamacare) trong vòng một năm và bác bỏ dự luật mua bảo hiểm theo hệ thống mới do Nhà Trắng đề ra. Ngoài ra, phía Hạ viện còn đề nghị bỏ phiếu thông qua việc cắt giảm mức thuế 2,3% đánh vào trang thiết bị y tế.

Ngay sau đó, đảng Dân chủ ở Thượng viện ngay lập tức bỏ phiếu bác bỏ nghị quyết này với tỷ lệ phản đối/ đồng ý là 54/46, khiến mọi vướng mắc không được giải quyết và đẩy chính phủ Mỹ vào tình trạng đóng cửa chỉ trong vài giờ tới.

Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ không chấp nhận thương lượng về một thỏa thuận nào yêu cầu đình chỉ chính sách y tế Obamacare để duy trì hoạt động của chính phủ. Ông công khai chỉ trích đảng Cộng hòa cố tình sử dụng tình huống này để “trả đũa kết quả cuộc bầu cử Tổng thống”.  

Phía đảng Cộng hòa cũng phản ứng lại với hành động của Thượng viện. Khi được hỏi liệu ông có cho phép một cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật cắt giảm chi tiêu mà không bao gồm các quy định ảnh hưởng đến luật chăm sóc sức khỏe hay không, Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho biết: “Điều đó sẽ không xảy ra”.

Đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy bế tắc được giải quyết. Thậm chí, ngay cả khi hai phe ở Quốc hội Mỹ chấp nhận thông qua một nghị quyết ngay lập tức để vấn đề được thông suốt, thì nỗi ám ảnh sẽ đóng cửa chính phủ vẫn sẽ tồn tại.

Van Hollen, một đại biểu quốc hội thuộc đảng Dân chủ, nói rằng ông không dám chắc vấn đề lúc nào sẽ kết thúc. “Tôi nghĩ rằng điều đáng sợ về thời kỳ này là chúng ta đang không có điểm kết thúc rõ ràng nào cho câu chuyện đóng cửa chính phủ”, ông nói.

Lần cuối cùng chính phủ Mỹ đóng cửa là vào năm 1995-1996, kéo dài trong 28 ngày, cũng với lý do điều chỉnh cắt giảm ngân sách giữa chính quyền của Tổng thống Bill Clinton và đảng Cộng hòa trong Quốc hội.

Hầu hết người Mỹ sẽ không cảm thấy sự ảnh hưởng của việc đóng cửa chính quyền trong ngắn hạn bởi các hoạt động quan trọng nhất của chính phủ sẽ vẫn tiếp tục bất chấp việc gì xảy ra. Tuy nhiên, về lâu dài, việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và người lao động ở Mỹ cũng như sự bất tiện của việc cần đến các dịch vụ chính phủ.