Năm 2014: chuyển động tích cực từ các nền kinh tế lớn

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Năm 2014 đã đặt ra một câu hỏi cần sớm tìm được giải đáp. Đó là liệu sau một năm khá trắc trở, nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao? Và liệu những chuyển động của các quốc gia có tầm cỡ có giúp thay đổi gì diện mạo tăng trưởng của khu vực hay không?

Kinh tế Mỹ tăng tốc dần

Nariman Behravesh - kinh tế gia trưởng của IHS, một tập đoàn nghiên cứu kinh tế quốc tế danh tiếng từng dự báo chính xác trong 9/10 chuyển biến kinh tế thế giới - cho rằng sự phục hồi của kinh tế Mỹ trong năm 2013 bị hụt hơi bởi động thái thắt chặt mạnh mẽ chính sách tài khóa, nhưng trong năm 2014, những tác động đó sẽ giảm đi rất nhiều, nhất là khi nhìn vào dự luật ngân sách mà quốc hội Mỹ thông qua. Do đó những sức mạnh của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ được bộc lộ nhiều hơn.

Thị trường nhà ở sẽ tiếp tục được cải thiện cũng như hiệu ứng từ sự bùng nổ khác thường của ngành dầu mỏ và khí đốt IHS cũng nhận định tốc độ chi tiêu đầu tư sẽ tăng tốc và sẽ trở thành một động lực tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm 2014. Và tăng trưởng đều đặn của tiêu dùng cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng của kinh tế, dự kiến đạt khoảng 2,5% trong năm 2014 thay vì chỉ 1,7% trong năm 2013.
 Năm 2014: chuyển động tích cực từ các nền kinh tế lớn - Ảnh 1
                                      Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ bắt đầu giảm chương trình mua trái phiếu vào tháng 1/2014 (FED đã giảm chương trình kích thích kinh tế từ 85 tỉ USD/tháng xuống 75 tỉ USD/tháng từ cuối tháng 12/2013) trong khi vẫn giữ các lãi suất chủ chốt không đổi cho đến đầu năm 2015. Với việc đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ đã đạt được sự nhượng bộ về chính sách tài khóa, IHS nhận định trở lực từ chính sách tài khóa Mỹ sẽ giảm đáng kể trong năm tới.

Một trong những biểu hiện đó là thâm hụt ngân sách liên bang không đổi (ở mức dưới 700 tỉ USD), sau khi đã giảm mạnh từ mức 1.300 tỉ USD năm 2011. Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp 7% là một con số ấn tượng so với mức 8,3% vào thời kỳ khủng hoảng cách đây sáu năm. Có hai xu hướng quan trọng đẩy giá USD tăng.

Trước hết tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ mạnh hơn và khoảng cách tăng trưởng so với các nền kinh tế phát triển khác sẽ nới rộng. Hai là, hầu như chắc chắn FED sẽ ngừng hoàn toàn việc kích thích kinh tế sớm hơn các ngân hàng trung ương khác. Điều này sẽ tác động tới đồng euro lẫn yen Nhật và đẩy đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác giảm giá.

Kinh tế châu Âu hồi phục


Kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2014 và đây sẽ là năm phục hồi của nền kinh tế khu vực này. Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền kinh VTM của Bỉ ngày 29/12 không hề mang tính lạc quan tếu, bởi theo ông không chỉ nền kinh tế các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trừ Slovenia và Cộng hòa Cyprus, sẽ tăng trưởng tích cực mà ngay cả các nước bị khủng hoảng nợ trong khu vực, như Tây Ban Nha và Hy Lạp, cũng có dấu hiệu tăng trưởng.

 Năm 2014: chuyển động tích cực từ các nền kinh tế lớn - Ảnh 2
                                     Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Người Pháp tỏ ra thích ví von khi nói rằng “Năm 2014 là năm của châu Âu”, đây sẽ là năm lục địa già có cơ hội tiếp tục đà phục hồi kinh tế. Năm 2013, tuy chưa thoát khỏi khủng hoảng nhưng đây là năm châu Âu thực hiện nhiều cải cách lớn, những biện pháp quyết liệt như đẩy mạnh thành lập liên minh ngân hàng, nỗ lực chống trốn thuế, tập trung tạo việc làm cho lao động trẻ… Hiệu quả của những chính sách này chưa thể nhìn thấy lập tức nhưng theo nhiều chuyên gia, chúng sẽ có tác động kể từ năm 2014.

Hiện nay, mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng đã chững lại. Hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp vẫn trụ vững, nhất là kinh tế Đức. Các nền kinh tế từng rất lao đao như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp… cũng được cho là đã qua thời điểm nguy kịch nhất. Dự báo của các chuyên gia kinh tế từ Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Trung ương châu Âu cho thấy sự phục hồi đồng loạt của các nền kinh tế châu Âu có thể đến từ cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.

Tỷ lệ tăng trưởng bình quân của khu vực này được dự báo là 1%. Ba Lan, Đức và Anh có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất lần lượt là 2%, 1,5% và 1,8%, tiếp sau là Pháp (0,8%), Tây Ban Nha (0,2%). Nếu so sánh con số này với tỷ lệ tăng trưởng năm 2013 của châu Âu thì đây là tín hiệu lạc quan. Những con số trên hiện chỉ là dự báo, để thành hiện thực thì các nước EU vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua.

Nền tảng thành công của EU là từ trong liên kết kinh tế, nên nếu kinh tế không khởi sắc, nguy cơ tan vỡ các thành quả tạo dựng được là điều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Các chuyên gia phân tích cũng nhận định, cùng với thực thi chính sách tăng trưởng kinh tế, năm 2014, châu Âu cần củng cố niềm tin của người dân.

Những nỗ lực này sẽ mất khá nhiều thời gian bởi các quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đang cố gắng để có được những đồng thuận về chính trị và tài chính.

Hàn Quốc đi nhanh, Trung Quốc chựng lại

 Năm 2014: chuyển động tích cực từ các nền kinh tế lớn - Ảnh 3
                                       Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2013 đã khép lại, những chuyên gia làm việc cho các định chế như Ngân hàng RBS (Anh), Tập đoàn Tài chính Nomura (Nhật) và Công ty Tư vấn TAC (Pháp) đưa ra dự đoán triển vọng kinh tế năm tới tại các nước châu Á đang trỗi dậy được xem là một trật tự mới đang hình thành có lợi cho các nước nhỏ. Theo các chuyên gia này, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia không còn là những “siêu đầu máy” của khu vực, cho dù tỷ lệ tăng trưởng của các quốc gia này vẫn còn hấp dẫn. Chính Hàn Quốc sẽ là “học trò giỏi” của năm 2014, tiếp theo là Philippines.

Năm 2013 đối với nhiều nước châu Á là một năm u ám, nền kinh tế các nước đối mặt với nhiều hiểm họa và tăng trưởng chậm lại, sau một thời gian được coi là các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế toàn cầu, suy trầm trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của khu vực này (không kể Nhật Bản) trong năm tới vẫn là khoảng 6%. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia, điều được chú ý là triển vọng rất khác biệt giữa các nước.

Tăng trưởng của Trung Quốc được đánh giá là chậm lại. Riêng về điểm này, các chuyên gia có sự khác nhau nhiều nhất trong nhận định: Ngân hàng RBS dự đoán Trung Quốc tăng trưởng 8,2%, tức vượt năm 2013, trong khi đó Công ty Nomura thì đưa ra con số 6,9%, tức thụt lùi. Theo chuyên gia Công ty tư vấn TAC, tỷ lệ tăng trưởng lùi xuống của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các nước láng giềng, vốn phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu sang Trung Quốc.
 Năm 2014: chuyển động tích cực từ các nền kinh tế lớn - Ảnh 4
                                     Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bên cạnh đó việc nợ nần chồng chất, trong cả hai khu vực công và tư của Trung Quốc khiến giới quan sát đặt nhiều câu hỏi về tính vững chắc của hệ thống kinh tế nước này. Hai nền kinh tế tầm cỡ khác là Ấn Độ và Indonesia được ghi nhận đã vượt qua năm 2013 một cách khó khăn khi đồng nội tệ của cả hai nước đều mất giá nặng (rupiah: 25%; rupee: 13%). Vẫn theo dự đoán của các chuyên gia, nửa đầu 2014, New Delhi và Jakarta đều sẽ phải đối mặt với các kỳ bầu cử quan trọng.

Sự suy yếu của môi trường kinh doanh và nạn tham nhũng gây trở ngại cho các nhà đầu tư. Chỉ có một ưu điểm chủ yếu của hai quốc gia này, đó là sự nổi lên của một tầng lớp trung lưu mới, trong đó phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt đồng nghề nghiệp. Ngôi sao sáng của châu Á là Hàn Quốc, một quốc gia có thể đứng vào hàng các nước phát triển. Các sản phẩm của Hàn Quốc rất được ưa chuộng tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu và Nhật Bản.

Tuy nhiên Hàn Quốc có một điểm yếu trong trung hạn là quá trình lão hóa của dân số sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa và những hiệu năng của kinh tế Hàn Quốc. Philippines với khoảng 11% lực lượng lao động ở ngoài nước cũng có nhiều lợi thế. Trong 10 năm gần đây, kiều hối đã góp phần quan trọng giúp cho quốc gia này có được thặng dư thương mại trung bình 3% GDP/năm. Điều ngạc nhiên là siêu bão Haiyan không có tác động lớn đến nền kinh tế Philippines, ngược lại việc tái thiết các khu vực thiệt hại sẽ mang lại động lực cho nhiều ngành sản xuất của đảo quốc.