"Nạn nhân" của Fed

Theo cafef.vn

(Tài chính) Indonesia đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xu hướng dòng vốn ồ ạt bị rút khỏi các thị trường mới nổi. Đây là hiệu ứng lan tỏa hay là dấu hiệu của những lỗ hổng căn bản trong nền kinh tế?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Có những diễn biến tương tự với cuộc khủng hoảng lây lan ở châu Á trong thời kỳ cuối những năm 1990, tình trạng căng thẳng ở các nền kinh tế mới nổi trong thời gian gần đây đang ngày càng lan rộng.
Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – là một trong những quốc gia đang trải qua tình trạng căng thẳng tài chính. Thị trường tài chính Indonesia đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng xuất phát từ xu hướng dòng vốn ồ ạt bị rút khỏi các thị trường mới nổi. 

Dưới đây là một vài chỉ số tài chính chủ chốt đo lường diễn biến của TTCK Indonesia: 

1. Thị trường chứng khoán

TTCK Indonesia đã giảm tổng cộng 17% trong 3 tháng qua. Đáng chú ý, thị trường bắt đầu lao dốc kể từ cuối tháng 5 – sau sự kiện bài phát biểu của Ben Bernanke làm dấy lên lo ngại về việc Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu vào tháng 9 tới.

"Nạn nhân" của Fed - Ảnh 1
Diễn biến của chỉ số Jakarta Composite Index (JCI)

2. Thị trường trái phiếu chính phủ 

Cơn bán tháo trái phiếu do chính phủ Indonesia phát hành cũng bắt đầu dâng cao kể từ cuối tháng 5.

"Nạn nhân" của Fed - Ảnh 2
Lợi suất trái phiếu chính phủ Indonesia kỳ hạn 10 năm

3. Đồng nội tệ

Đồng rupiah của Indonesia đã giảm giá mạnh so với đồng USD. Nhìn vào biểu đồ có thể thấy tỷ giá rupiah/USD đi lên theo chiều thẳng đứng.

"Nạn nhân" của Fed - Ảnh 3

Liệu những diễn biến gần đây của kinh tế Indonesia chỉ mang tính chất hiệu ứng lan tỏa hay đó là dấu hiệu của những lỗ hổng căn bản trong nền kinh tế? Ở thời điểm hiện tại, đây là câu hỏi quan trọng nhất đối với Indonesia. 

Trong quá khứ, vốn đầu tư nước ngoài là nguyên nhân chính dẫn đến những vấn đề của Indonesia. Tuy nhiên, giờ đây “bữa tiệc” đã kết thúc. Cán cân vãng lai của Indonesia ngày càng thâm hụt mạnh trong những năm gần đây.  

Với “lỗ hổng” lớn mang tính chất cấu trúc như trên, Indonesia phải nhận sự trừng phạt từ thị trường. Do đó, giống như Brazil và một số nước khác, quốc gia này đang cố gắng lấp đầy lỗ hổng. 

Theo tờ New York Times, hôm thứ 6 vừa qua (23/8), Indonesia vừa đưa ra một loạt biện pháp nhằm giảm nhập khẩu và thúc đẩy đầu tư vào các ngành thâm dụng lao động. Với các biện pháp này, Indonesia hy vọng sẽ khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư cũng như chi tiêu tiêu dùng của nền kinh tế. 

Động thái can thiệp của Thủ tướng Susilo Bambang Yudhoyono được đưa ra sau một tuần “đau buồn” của các thị trường mới nổi. Đồng nội tệ của các nước, từ Brazil đến Ấn Độ, bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhà đầu tư lo ngại chi phí đi vay tăng cao và nước Mỹ giảm dần việc bơm tiền giá rẻ vào nền kinh tế. 

Indonesia vừa phải chứng kiến cơn bán tháo tài sản, từ đồng nội tệ rupiah cho đến cổ phiếu và trái phiếu sau khi thông báo cán cân vãng lai bất ngờ thâm hụt nặng trong quý II. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi cán cân vãng lai chính là thước đo chênh lệch giữa thương mại và đầu tư nước ngoài. Kinh tế toàn cầu yếu ớt sẽ khiến xuất khẩu giảm sâu hơn trong tương lai trong khi lạm phát tăng lên “bóp nghẹt” nhu cầu nội địa. 

Bộ trưởng Kinh tế Hatta Rajasa đã khẳng định chính phủ Indonesia sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô xa xỉ, giảm nhập khẩu dầu và dành ưu đãi về thuế cho các khoản đầu tư vào nông nghiệp.

Tuy nhiên, do Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn nhất tiêu thụ các mặt hàng tài nguyên thiên nhiên của Indonesia, cải thiện tình hình cán cân thương mại là vấn đề khá khó khăn. Một vài điều chỉnh đơn giản về thuế sẽ không thể đem lại hiệu quả, ít nhất là trong ngắn hạn. Indonesia vẫn khá “mong manh dễ vỡ” trước các áp lực của thị trường.