Ngân hàng Trung Quốc an toàn nhất trong các thị trường mới nổi

Theo CNBC, CafeF

Tạp chí Global Finance vừa công bố bảng xếp hạng 50 ngân hàng an toàn nhất tại các thị trường mới nổi. Dưới đây là danh sách 10 ngân hàng an toàn nhất được đăng trên tờ CNBC.

Ngân hàng Trung Quốc an toàn nhất trong các thị trường mới nổi
Triển vọng tăng trưởng không chắc chắn của các nền kinh tế phát triển khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư ngày càng có xu hướng tìm đến các thị trường mới nổi nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, hệ thống tài chính của các nền kinh tế có tốc độ phát triển như vũ bão này có an toàn hay không?

Tạp chí Global Finance vừa công bố bảng xếp hạng 50 ngân hàng an toàn nhất tại các thị trường mới nổi. Danh sách này được rút ra từ các đánh giá của 3 tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín nhất hiện nay (Fitch Ratings, Standard & Poor's và Moody's). Để lọt vào bảng này, các ngân hàng phải nằm trong hàng ngũ 500 ngân hàng lớn nhất tại các thị trường mới nổi (xét theo qui mô tài sản) và phải được 2 trong số 3 tổ chức trên xếp hạng.

Dưới đây là danh sách 10 ngân hàng an toàn nhất được đăng trên tờ CNBC.

10. Bank of Taiwan
Đến từ: Đài Loan
Tổng tài sản: 129,8 tỷ USD

Đài Loan có 6 ngân hàng lọt vào top 50 và Bank of Taiwan là ngân hàng được xếp hạng ở mức cao nhất. Tính đến cuối năm 2011, ngân hàng này có tổng tài sản là 131 tỷ USD và là ngân hàng lớn nhất Đài Loan.

Được thành lập năm 1946, ban đầu, Bank of Taiwan đảm nhiệm rất nhiều chức năng của 1 ngân hàng trung ương. Ngân hàng này vẫn có vai trò phát hành tiền đến tận năm 1961, khi NHTW Đài Loan được thành lập lại.

Bank of Taiwan được Standard & Poor's xếp hạng A và được Moody's xếp hạng Aa3. Đây cũng là ngân hàng có mức xếp hạng cao nhất ở Đài Loan.

9. BancoEstado
Đến từ: Chile
Tổng tài sản: 40 tỷ USD


BancoEstado là ngân hàng duy nhất của châu Mỹ Latinh lọt vào top 10. Tuy nhiên, có tới 4 ngân hàng của Chile lọt vào top 50 và đây là tín hiệu khẳng định các định chế tài chính của Chile đang có nhiều bước phát triển.

Đây là ngân hàng thương mại trực thuộc nhà nước duy nhất ở Chile. Ngân hàng này đứng thứ 3 xét về các khoản cho vay và đứng thứ nhất xét về lượng tiền gửi.

BancoEstado được Fitch và S&P xếp hạng A trong khi được Moody’s xếp hạng Aa3. Có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ và hướng đến mục tiêu xã hội là giúp người thu nhập thấp tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng cũng như có nhà ở, BancoEstado có triển vọng khá ổn định trong bối cảnh của 1 nền kinh tế đang phát triển như Chile. Tất cả các tổ chức xếp hạng đều cho rằng chính phủ Chile sẽ hỗ trợ ngân hàng này nếu như tình trạng căng thẳng tín dụng diễn ra.

8. Samba Financial Group
Đến từ: Saudi Arabia
Tổng tài sản: 51,4 tỷ USD

Samba Financial Group là ngân hàng lớn thứ 2 ở Saudi Arabia, xét về giá trị thị trường.

Được thành lập từ năm 1980 với vụ thâu tóm chi nhánh của Citibank tại các thành phố Jeddah và Riyadh, Samba Financial Group hiện có gần 70 chi nhánh, trong đó có các chi nhánh ở nước ngoài như London, Qatar và Dubai.

Samba Financial Group được Fitch và S&P xếp hạng A trong khi được Mood’s xếp hạng Aa3.

7. Qatar National Bank
Đến từ: Qatar
Tổng tài sản: 82,9 tỷ USD

Qatar National Bank (QNB) không chỉ là ngân hàng an toàn nhất mà còn là ngân hàng lớn nhất ở Qatar. QNB chiếm tới hơn một nửa lượng tài sản và tiền gửi của hệ thống ngân hàng nước này.

Được thành lập năm 1964, đây là ngân hàng thương mại đầu tiên do người Qatar quản lý hoàn toàn.

Một nửa cổ phần của QNB thuộc sở hữu của Qatar Investment Authority. Hiện nay, QNB cũng có cổ phần tại các ngân hàng ở Indonesia, Jordan, Tunisia và UAE đồng thời có kế hoạch thâu tóm lượng lớn cổ phần của 1 ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng với chi nhánh ở Ai Cập của Societe Generale.
QNB được Fitch và S&P xếp hạng A trong khi Moody’s xếp ngân hàng này ở hạng AA3. Năm 2012, QNB có lợi nhuận ròng tăng hơn 11%, lên 2,2 tỷ USD trong khi tổng tài sản tăng 21%.

6. Korea Finance Corp.
Đến từ: Hàn Quốc
Tổng tài sản: 157 tỷ USD

Hàn Quốc có 9 ngân hàng lọt vào top 50 và Korea Finance Corp. là một trong số đó.

Được thành lập năm 2009 và hoạt động như 1 ngân hàng chính sách, Korea Finance Bank triển khai các chương trình cho vay với mục đích hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Ngân hàng này được Fitch, S&P và Moody’s lần lượt xếp hạng AA- , A và Aa3. S&P cho rằng Korea Finance được đặt triển vọng ổn định vì Hàn Quốc có triển vọng dài hạn ổn định đồng thời ngân hàng này có được sự hậu thuẫn rất lớn từ phía chính phủ.

5. Industrial Bank of Korea
Đến từ: Hàn Quốc
Tổng tài sản: 161 tỷ USD

Được thành lập năm 1961 và hiện đang là ngân hàng lớn thứ 5 ở Hàn Quốc xét về tổng tài sản, Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) có vị trí quan trọng trong hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm hơn 1/5 thị phần).

IBK được Fitch xếp hạng AA-, S&P xếp hạng A và Moody’s xếp hạng Aa3.

4. National Bank of Kuwait
Đến từ: Kuwait
Tổng tài sản: 48,9 tỷ USD

National Bank of Kuwait là ngân hàng lớn nhất ở Kuwait và là 1 trong 4 ngân hàng ở Trung Đông lọt vào top 10.

Được thành lập năm 1952, cho đến nay ngân hàng này đã hoạt động ở phạm vi 16 nước. năm 2011, National Bank of Kuwait là ngân hàng tốt nhất ở Trung Đông, theo bảng xếp hạng của Global Finance, Euromoney và The Banker in 2011.

Ngân hàng này nhận được mức xếp hạng A từ S&P, AA- từ Fitch và Aa3 từ Moody’s.

3. National Bank of Abu Dhabi
Đến từ: United Arab Emirates
Tổng tài sản: 69,6 tỷ USD

2 năm liên tiếp, National Bank of Abu Dhabi là ngân hàng Trung Đông giành được vị trí cao nhất.

Với hơn 70% cổ phần được nắm giữ bởi chính phủ, National Bank of Abu Dhabi là ngân hàng lớn thứ 2 ở UAE xét về tổng tài sản. Năm 2010, ngân hàng này có bước ngoặt quan trọng khi lợi nhuận ròng đạt 1 tỷ USD.

Moody's , S&P và Fitch lần lượt xếp ngân hàng này ở mức Aa3, A và AA-.

2. Agricultural Development Bank of China
Đến từ: Trung Quốc
Tổng tài sản: 310 tỷ USD

Ngân hàng phát triển nông thôn Trung Quốc (Agricultural Development Bank of China - ADBC) là ngân hàng an toàn thứ 2 và cũng là ngân hàng lớn thứ 2 trong bảng xếp hạng.

Được thành lập năm 1994, ADBC tài trợ cho các dự án phát triển nông nghiệp và nông thôn. Ngân hàng này được Fitch xếp hạng A, S&P xếp hạng AA- by và Moody’s xếp hạng Aa3.

S&P cho rằng gần như chắc chắn chính phủ Trung Quốc sẽ ra tay nếu như ADBC gặp rắc rối trong khi Fitch khẳng định mức xếp hạng của ngân hàng này sẽ thay đổi cùng chiều với mức xếp hạng quốc gia.

Đầu tháng 1 vừa qua, ADBC vừa công bố lợi nhuận năm 2012 đã tăng hơn 16% so với 1 năm trước, lên 7,79 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu lần đầu tiên giảm xuống mức dưới 1%.

1. China Development Bank
Đến từ: Trung Quốc
Tổng tài sản: 992 tỷ USD

Ngân hàng phát triển Trung Quốc (China Development Bank -CDB) vẫn giữ được vị trí của năm ngoái và là 1 trong 6 ngân hàng Trung Quốc lọt vào top 50.

Được thành lập năm 1994 với vai trò là 1 trong 3 ngân hàng chính sách của Trung Quốc, hiện nay CDB vẫn được chính phủ kiểm soát trực tiếp và là ngân hàng chính sách lớn nhất của nước này. Các khoản nợ được phát hành bởi CDB được bảo lãnh bởi chính quyền trung ương và ngân hàng này dddang tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn như đạp Tam Hiệp, đường sắt cao tốc Thượng Hải – Bắc Kinh…

Với tài sản 992 tỷ USD, CDB có lượng tài sản lớn gấp 3 lần so với đối thủ cạnh tranh ngay sau đó là Ngân hàng phát triển nông thôn Trung Quốc.

Moody's, S&P và Fitch lần lượt xếp CDB ở mức Aa3, AA- và A.