Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ thua lỗ kỷ lục

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) mới đây đã công bố kết quả hoạt động thường niên tồi tệ chưa từng có, hệ quả từ quyết định gỡ bỏ trần tỷ giá với đồng euro (EUR) để thả nổi đồng franc nội tệ (CHF).

SNB mới đây đã công bố kết quả hoạt động thường niên tồi tệ chưa từng có. Nguồn: internet
SNB mới đây đã công bố kết quả hoạt động thường niên tồi tệ chưa từng có. Nguồn: internet

Tổng kết năm 2015, SNB lỗ tới 23 tỷ CHF (tương đương 23,05 tỷ USD), đặt ra hàng loạt thách thức cho lãnh đạo ngân hàng trong công cuộc khôi phục nền kinh tế và chống giảm phát, thông qua các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Một năm “chia tay” EUR

Quay trở lại thời điểm tháng 9/2011, châu Âu lúc đó rơi vào tình cảnh nguy kịch của cuộc khủng hoảng nợ công, nhà đầu tư nháo nhào tìm cách rút chạy. Nhìn sang Thụy Sĩ, họ nhận ra đây chính là điểm trú ẩn yên bình lý tưởng, nhờ tính bảo mật và an toàn cho những tài sản được gửi gắm. Và, dòng tiền từ khắp nơi đổ vào quốc gia này, khiến giá trị đồng CHF tăng chóng mặt.

Phản ứng tức thì, SNB quyết định ban hành mức trần tỷ giá giữa CHF và EUR là 1,20 CHF đổi 1 EUR. Biện pháp đặc biệt và tạm thời này đã góp phần bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ ổn định qua cơn giông bão.

Tuy nhiên sau khoảng 3 năm, chính sách tiền tệ của các nước khu vực eurozone ngày càng có sự chia rẽ đáng kể, kết hợp với tác động từ đợt mua trái phiếu khổng lồ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong chương trình kích thích kinh tế và cải thiện lạm phát, dẫn tới việc đồng EUR “không còn giữ được mình” và mất giá mạnh so với USD. Đương nhiên, vì trót neo vào EUR nên CHF bị vạ lây và cũng suy yếu so với đồng tiền của Mỹ.

Và điều gì phải đến đã đến, ngày 15/1/2015, sau 3 năm áp dụng, SNB tuyên bố gỡ bỏ quy định trần tỷ giá để thả nổi CHF. Lãnh đạo SNB lúc đó khẳng định họ không còn sự lựa chọn nào khác, bởi việc duy trì cơ chế nêu trên là vô cùng tốn kém, việc neo CHF vào EUR không mang lại lợi ích cho quốc gia này.

Trong những tháng sau đó của năm 2015, đồng CHF được “cởi trói” đã tăng giá liên tục, khiến dự trữ ngoại hối của SNB bị hao mòn giá trị, buộc SNB đã phải chủ động hơn trên thị trường ngoại hối, với nỗ lực kiềm chế đồng franc. Đến khi nhìn lại 12 tháng gập ghềnh trước đó, SNB mới biết là mình đã thiệt hại tới hơn 20 tỷ CHF.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ thua lỗ kỷ lục - Ảnh 1

Sau quyết định của SNB, đồng franc đã tăng vọt

Niềm tin của dân chúng

“Lỗ nặng như vậy là điều đã được dự báo từ trước, chứ không có gì bất ngờ, nếu nhìn vào những biến động tỷ giá trong năm qua”, ông Karsten Junius - kinh tế trưởng của ngân hàng J. Safra Sarasin, cho biết.

Nhìn nhận một cách thực tế, kết quả đáng buồn nêu trên không ảnh hưởng nhiều đến khả năng điều hành chính sách tiền tệ của SNB. Theo các chuyên gia, với việc nắm trong tay quyền quyết định in tiền thì rõ ràng tiền không phải là vấn đề với SNB.

Cốt lõi nằm ở niềm tin của cộng đồng, bởi chẳng người dân nào muốn nghe thông tin về việc ngân hàng Trung ương nước mình lại “kém” đến mức lỗ to như vậy. Không khỏi chạnh lòng sao được khi nhìn sang nước Mỹ, người ta thấy Cục dự trữ liên bang (Fed) xoay sở tốt thế nào trong những năm gần đây và nộp cho ngân sách gần 100 tỷ USD trong năm 2014.

Hẳn là sau cú sảy chân này, Thống đốc SNB Thomas Jordan sẽ thận trọng hơn khi muốn can thiệp vào thị trường trong tương lai.

23 tỷ CHF là tổn thất nặng nề nhất đối với SNB kể từ khi được thành lập, vào năm 1907. Áp lực còn dồn lên vai ngân hàng này từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi đồng CHF tăng giá khiến hàng hóa Thụy Sĩ trở nên đắt đỏ hơn hàng hóa tại các nước láng giềng trong khu vực đồng euro.

Tính đến cuối tháng 9/2015, trong tài khoản đầu tư ngoại tệ của SNB, EUR chính là đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42%, còn USD xếp thứ 2 với 33%. Số vàng trong kho cũng góp phần “xát muối vào nỗi đau” của SNB, khi gây ra khoản chênh lệch âm 4 tỷ CHF trong năm qua, cho dù ngân hàng này lãi được 1 tỷ CHF từ biến động giá trị đồng nội tệ mà mình nắm giữ trong danh mục.

SNB dự kiến sẽ phải dùng đến quỹ dự trữ để trả cổ tức 15 franc/cổ phần cho cổ đông, đồng thời đóng góp 1 tỷ franc cho chính phủ Thụy Sĩ và 26 bang của nước này. Một điểm khá đặc biệt của SNB là ngân hàng này hoạt động theo mô hình một công ty cổ phần đặc biệt, vừa tuân thủ quy định đối với một ngân hàng Trung ương vừa đáp ứng những yêu cầu nhất định theo luật doanh nghiệp.