Người chiến thắng trong cuộc cách mạng di động ở Ấn Độ

Theo Infonet

(Tài chính) Các hãng điện thoại di động nội địa của Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ, vươn lên chiếm ưu thế trên thị trường điện thoại di động trị giá 13 tỷ USD của đất nước đông dân thứ hai thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
CNBC đăng tải chùm bài viết có chủ đề “Asia tomorrow” (tạm dịch: Tương lai của châu Á) trả lời cho các câu hỏi: Châu Á đối mặt với những thay đổi chưa từng có tiền lệ như thế nào? Các nhà hoạch định chính sách châu Á đang làm gì và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư? Chúng tôi xin lược dịch series này với mong muốn đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích.

Bài viết này nói về sự phát triển của các hãng điện thoại di động Ấn Độ.

Sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại di động ở Ấn Độ được người ta ví với một cuộc cách mạng. Năm 2001, Ấn Độ có 35 triệu chiếc điện thoại và hầu hết là điện thoại cố định. Tuy nhiên, đến năm 2012, Ấn Độ đã có hơn 900 triệu thuê bao điện thoại và hơn 95% trong số đó là thuê bao di động. 

Do đó, chắc chắn Ấn Độ sẽ trở thành thị trường đầy tiềm năng được các hãng sản xuất điện thoại di động để mắt tới. Cách đây 5 năm, gần như không có thương hiệu điện thoại di động nào của Ấn Độ nổi danh trên thị trường. Tuy nhiên, mức giá rẻ, chiến lược marketing hoàn hảo cùng với những đặc tính phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng địa phương đã thay đổi mọi thứ. 

Ngày nay, các công ty nội địa đang chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng top 10 hãng sản xuất điện thoại di động chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường điện thoại di động Ấn Độ. 3 công ty Micromax, Karbonn và Lava chiếm tổng cộng hơn 30% thị phần, trong đó Micromax chiếm tới 17,5% và chỉ đứng sau Samsung.

“Với những chiếc điện thoại được sản xuất ở Trung Quốc, các công ty này bắt đầu tạo nên một cuộc cách mạng về điện thoại di động ở Ấn Độ”, Neil Shah – giám đốc công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint – nhận định.

Các nhà sản xuất điện thoại Ấn Độ bắt đầu bùng nổ trong giai đoạn 2008 – 2009, khi cuộc cách mạng điện thoại thông minh lan tới Trung Quốc, khiến các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc phải tìm kiếm các thị trường mới. Đang trải qua cuộc cách mạng viễn thông, Ấn Độ trở thành một thị trường hoàn hảo với các rào cản về thuế và phí được dỡ bỏ.

Theo số liệu của Counterpoint, Ấn Độ có thị trường điện thoại di động tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng là 20% trong năm 2013 (lên 226 triệu chiếc). Thị trường này cũng chỉ xếp sau Trung Quốc về quy mô.

Các hãng điện thoại di động của Ấn Độ tăng thị phần bằng cách cung cấp các điện thoại có mức giá thấp hơn 30% so với loại rẻ nhất của nước ngoài. Họ cũng nhanh chóng thăng tiến trên chuỗi giá trị và chỉ trong một vài năm đã bắt đầu bán điện thoại thông minh với mức giá phải chăng. Hầu hết smartphone Ấn Độ được bán với giá từ 4.000 đến 20.000 rupee (tương đương 70 – 340 USD), rẻ hơn khoảng 100 USD so với 1 chiếc iPhone của Apple hay Galaxy của Samsung có những tính năng tương tự.

Các công ty này rất nhanh nhạy trong việc điều chỉnh sao cho điện thoại họ làm ra phù hợp với nhu cầu của khách hàng, mạnh tay đầu tư vào công tác R&D hay thiết kế các ứng dụng mới. 

Ví dụ, chiếc điện thoại vừa được Firstouch tung ra thị trường hồi tháng 5 vừa qua cho phép người dùng dịch một đoạn văn tiếng Anh sang tiếng Ấn Độ và ngược lại. Bàn phím cũng được thiết kế với các chữ cái Ấn Độ. 

“Chỉ 10% người dân Ấn Độ biết tiếng Anh, bởi vậy chúng tôi hướng đến những người chuộng tiếng mẹ đẻ và cảm thấy không thoải mái khi dùng tiếng Anh”, CEO của Firstouch cho biết. 
Bên cạnh việc tập trung vào phân khúc bình dân, các hãng điện thoại Ấn Độ cũng đổ nhiều tiền của và nhân lực vào công đoạn quảng cáo và marketing. 

Tháng 10 năm ngoái, Micromax ký hợp đồng đại sứ thương hiệu với ngôi sao Hollywood Hugh Jackman, trong khi Lava trở thành nhà tài trợ chính thức ở Ấn Độ của câu lạc bộ bóng đá đang chơi ở giải Ngoại hạng Anh Liverpool. 

Chiến lược marketing của các công ty này cũng hướng đến các thị trường nước ngoài như Nga và Trung Đông. Thị trường Mỹ và châu Âu là các mục tiêu tiếp theo.