Nhật Bản duy trì nới lỏng tiền tệ để chống giảm phát

Theo VietNam+

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 22/5 đã quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm chống giảm phát, đồng thời nâng mức đánh giá về nền kinh tế Nhật Bản.

Nhật Bản duy trì nới lỏng tiền tệ để chống giảm phát
Nhật Bản đang duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm chống giảm phát. Nguồn: Internet

Quyết định này được BOJ đưa ra trong bối cảnh mức tiêu dùng và xuất khẩu của Nhật Bản đang bắt đầu phục hồi nhờ đồng yên giảm giá và sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, BOJ nhất trí tăng cơ số tiền tệ lưu thông trên thị trường với tốc độ hàng năm khoảng 60.000 đến 70.000 tỷ yen (583-680 tỷ USD).

Chính sách này sẽ được triển khai kết hợp cùng các biện pháp tài chính công bố trước đó trong cuộc họp thường kỳ tháng Tư của BOJ, với mục tiêu đưa lạm phát lên 2% trong vòng 2 năm thông qua tăng cường mua trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính có sự rủi ro hơn như các quỹ đầu tư tín thác.

Ngoài ra, trong tuyên bố của mình, BOJ cũng cập nhật đánh giá về nền kinh tế Nhật Bản, tiếp tục nâng mức đánh giá lần thứ năm liên tiếp.

Theo BOJ, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới "đã bắt đầu phục hồi" và "được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc với tốc độ bền vững." Kết quả tích cực này phần lớn được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa tăng cao, kết quả của chính sách nới lỏng tiền tệ và các biện pháp kinh tế hiệu quả khác, bên cạnh đó là sự hồi phục của các nền kinh tế nước ngoài.

Theo BOJ, việc các nền kinh tế thế giới bắt đầu thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng đã giúp "bẩy" khu vực xuất khẩu Nhật Bản ra khỏi "bão" suy thoái. Tuy nhiên, tuyên bố cũng cảnh báo đã xuất hiện một số chỉ số báo hiệu lạm phát mặc dù sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các mặt hàng, ngoại trừ thực phẩm tươi sống, vẫn duy trì ở mức âm.

Tiêu dùng trong nước cũng bắt đầu phục hồi, do tâm trạng lạc quan của người tiêu dùng. Đầu tư vẫn mạnh trong lĩnh vực phi sản xuất và trên tổng thể cũng đã ngừng suy giảm.

Tuyên bố của BOJ đưa ra chỉ hai ngày sau khi Chính phủ Nhật Bản cập nhật đánh giá kinh tế tháng Năm, nâng mức đánh giá của 3 trong toàn bộ 14 lĩnh vực bao gồm xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và thu nhập các tập đoàn. Số liệu công bố ngày 16/5 vừa qua cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý 1/2013 tăng 3,5% và điều này phản ánh hiệu quả chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.